1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

7 nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố đứng ngoài nỗ lực "cứu" ông Trump

Thành Đạt

(Dân trí) - Một nhóm gồm 7 Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ không thách thức kết quả của cuộc bầu cử Mỹ, bất chấp nỗ lực "lật kèo" của Tổng thống Donald Trump.

7 nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố đứng ngoài nỗ lực cứu ông Trump - 1

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Trong bức thư chung được công bố ngày 3/1, 7 nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ tuyên bố họ sẽ không tham gia vào nỗ lực của khoảng 100 nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa nhằm thách thức kết quả bầu cử khi quốc hội họp vào tuần này để xác nhận tổng thống đắc cử.

"Chỉ các bang mới có thẩm quyền chỉ định đại cử tri, phù hợp với luật pháp bang. Quốc hội chỉ có vai trò hạn hẹp trong tiến trình bầu cử tổng thống. Nhiệm vụ của quốc hội chỉ là kiểm phiếu đại cử tri do các bang trình lên, chứ không phải xác định đại cử tri nào các bang cần trình lên", The Hill trích nội dung bức thư do nghị sĩ Thomas Massie của đảng Cộng hòa dẫn đầu.

Ngoài nghị sĩ Massie, bức thư còn có chữ ký của các nghị sĩ Tom McClintock (bang California), Chip Roy (bang Texas), Ken Buck (bang Colorado), Kelly Armstrong (bang North Dakota), Mike Gallagher (bang Wisconsin) and Nancy Mace (bang South Caronlina).

Theo bức thư của các nghị sĩ, hiện chưa có bang nào đệ trình danh sách đại cử tri thay thế, mặc dù phe Cộng hòa ở một số bang hồi tháng 12 đã tự tổ chức cuộc bỏ phiếu của các đại cử tri thay thế gồm những người ủng hộ Tổng thống Trump và họ tuyên bố đã gửi kết quả cho quốc hội. 

Phó Tổng thống Mike Pence, với tư cách là chủ tịch Thượng viện, có thể bác bỏ kết quả kiểm phiếu mà các thư ký quốc hội thông báo trong cuộc họp vào ngày 6/1, thay vào đó công nhận lá phiếu của các đại cử tri thay thế. Tuy nhiên, hành động này sẽ bị coi là vi phạm Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri 1887 và chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ tại quốc hội, thậm chí cả lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện. 

Tổng thống Trump và các đồng minh, trong đó khoảng hơn 100 hạ nghị sĩ và hơn 10 thượng nghị sĩ, đang lên kế hoạch phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri khi quốc hội họp lưỡng viện vào ngày 6/1 tới để kiểm phiếu và chính thức xác nhận tổng thống đắc cử. Đây có thể là nỗ lực cuối cùng của phe ông Trump nhằm đảo ngược chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden trước ngày nhậm chức 20/1.

Theo hiến pháp Mỹ, lưỡng viện Mỹ sẽ xem xét khiếu nại kết quả nếu nhận được đơn khiếu nại bằng văn bản có chữ ký ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ. Hai viện sẽ thảo luận và biểu quyết độc lập tán thành hay không tán thành với khiếu nại. Chỉ khi có được sự tán thành của lưỡng viện, kết quả bầu cử ở một bang khiếu nại mới bị vô hiệu hóa. 

Trong một tuyên bố chung vào ngày 2/1, 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz dẫn đầu cho biết họ có kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn và đề nghị một ủy ban bầu cử tiền hành "thanh tra khẩn cấp trong 10 ngày" kết quả bầu cử ở những bang gây tranh cãi.

Theo bức thư của 7 nghị sĩ Cộng hòa, trừ khi danh sách đại cử tri thay thế được gửi lên quốc hội từ nay cho tới ngày 6/1, "quốc hội không có thẩm quyền can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020".

"Chúng ta đã tuyên thệ nhằm thúc đẩy Hiến pháp lên trên các mục tiêu chính sách của chúng ta. Chúng ta phải kiểm đếm các phiếu đại cử tri do các bang đệ trình", bức thư nêu rõ.