Sức ép chính trị khi Mỹ "đốt cháy giai đoạn" phát triển vắc-xin Covid-19
(Dân trí) - Giới chuyên gia lo ngại việc chính phủ Mỹ thúc giục việc nhanh chóng tìm ra vắc-xin chặn đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến quá trình kiểm duyệt bị "đốt cháy giai đoạn" và có thể "lợi bất cập hại".
Vào tháng 4, khi các bệnh viện quá tải và phần lớn nước Mỹ đang trong tình trạng phong tỏa, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đã trình bày một bài thuyết trình với Nhà Trắng, cho rằng sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin Covid-19 là niềm hy vọng lớn nhất để kiểm soát đại dịch.
“HẠN CHÓT: Công chúng có thể tiếp cận rộng rãi (với vắc-xin) vào tháng 10/2020”, trang đầu tiên của bài trình chiếu viết, với tháng, năm được in đậm.
Thông thường, phải mất hàng năm trời để phát triển vắc-xin. Vì vậy, lịch trình cho sáng kiến được gọi tên là “Operation Warp Speed” nhằm tìm ra vắc-xin Covid-19 được đánh giá là vô cùng tham vọng. Với hàng chục nghìn người qua đời, hàng chục triệu người mất việc, cuộc khủng hoảng y tế đòi hỏi sự hợp sức phản ứng của cả nhóm tư nhân và nhà nước. Chính phủ Mỹ đã đổ hàng tỷ USD cho các công ty dược và công nghệ sinh học, cung cấp hỗ trợ hậu cần.
Giới quan sát đánh giá rằng, hạn chót phát triển vắc-xin được đặt ra 1 tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến vào tháng 11. Nếu mục tiêu thành công, đó có thể là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, cuộc đua phát triển vắc-xin nhanh chóng được xem đang khiến nhiều nhà khoa học, chuyên gia bày tỏ mối lo ngại rằng yếu tố chính trị có thể đang đè nặng áp lực lên các bên phát triển về việc vừa phải đảm bảo tốc độ nghiên cứu, vừa phải tuân thủ các quy định kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo vắc-xin an toàn khi được số đông công chúng sử dụng.
Theo New York Times, vắc-xin thử nghiệm càng lâu trước khi ra lò, thì nó càng có xu hướng an toàn và hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, với tình hình mỗi ngày có thêm 1.000 người chết ở Mỹ vì dịch, trường học khó lòng tái mở cửa và nền kinh tế suy thoái, sự mong muốn về việc tìm ra phương cách để đưa cuộc sống trở về bình thường càng trở nên mạnh mẽ.
Chính quyền Mỹ đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ các công ty nghiên cứu, nhưng hạn chót cuối tháng 10 ban đầu được cho sẽ không thể đáp ứng. Chính quyền Tổng thống Donald Trump giờ đây tiếp tục thúc đẩy mục tiêu có hàng trăm triệu liều vắc-xin vào cuối năm hoặc đầu năm 2021.
Những lo ngại
Các chuyên gia cho biết họ lo ngại Nhà Trắng có thể sẽ thúc giục Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét những dữ liệu chưa thực sự đầy đủ và phê duyệt khẩn cấp với số lượng giới hạn cho một vắc-xin, có thể là cho những nhóm cụ thể như các nhân viên y tế tuyến đầu, trước cuộc bầu cử.
“Nhiều người lo rằng chính phủ có thể can thiệp vào sáng kiến Warp Speed và chọn ra một số ứng viên vắc-xin và kết luận rằng họ đã thử nghiệm trên hàng nghìn người và nó có vẻ an toàn và họ sẽ sử dụng chúng”, giáo sư Paul A. Offit từ Đại học Pennsylvania, cho hay. Ông Offit là một thành viên của ủy ban cố vấn vắc-xin của FDA.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua không ngừng thúc đẩy tiến độ sản xuất vắc-xin, làm dấy lên một viễn cảnh rằng nó có thể sẽ sớm được thông qua. Tuần trước, ông cam kết rằng “sẽ cho ra lò vắc-xin trong thời gian kỷ lục”.
Trong chiến dịch vận động tranh cử ở Pennsylvania, ông Trump nói rằng FDA đang rất tuyệt vời, “dưới sự chỉ đạo của tôi” và ông làm dấy lên hy vọng rằng vắc-xin sẽ có rất sớm trước lịch trình đã được đặt ra.
Việc FDA thông qua một vắc-xin mới thường là một quá trình rất vất vả, khi các thành viên của tổ chức phải xem xét kỹ lưỡng mọi dữ liệu từ hàng loạt thử nghiệm lâm sàng để xác định sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin. Việc phê duyệt vắc-xin thường lâu hơn thuốc trị liệu vì vắc-xin thường được dùng cho hàng triệu người khỏe mạnh.
Nhà Trắng khẳng định ông Trump sẽ không bóp méo quá trình kiểm duyệt vắc-xin để mang lại lợi thế trước cuộc bầu cử. Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony S. Fauci nói với các nghị sĩ tuần trước rằng ông “lạc quan là chúng ta sẽ có thể có vắc-xin vào cuối năm nay và đầu năm 2021”.
Trong khi đó, một thành viên của FDA, tiến sĩ Stephen Hahn vẫn bỏ ngỏ khả năng có thể sẽ phê duyệt khẩn cấp vắc-xin.
Các nhà khoa học trong khi đó cho rằng sẽ là không khôn ngoan nếu tìm cách “đốt cháy giai đoạn” trong quá trình phê duyệt vắc-xin vì nó sẽ được tiêm cho hàng trăm triệu người Mỹ. Họ nhấn mạnh rằng, nếu nỗ lực này không thành, điều đó sẽ gây ra sự mất tín nhiệm to lớn của công chúng với vắc-xin nói chung.
Tuy nhiên, chuyên gia Fauci cho rằng FDA luôn đưa ra quyết định dựa vào các yếu tố khoa học và ông tin tưởng rằng lần này cơ quan này cũng sẽ làm như vậy.