Vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc gặp “chướng ngại vật” ngay trên sân nhà
(Dân trí) - Cuộc thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin do một công ty Trung Quốc sản xuất đã không diễn ra theo đúng kế hoạch vì hải quan Trung Quốc giữ lô hàng trong nhiều tuần, chưa cho phép thông quan sang Canada.
SCMP đưa tin, Bộ Y tế Canada từ ngày 16/5 đã cho phép thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở nước này với ứng viên vắc-xin Covid-19 mang tên Ad5-nCoV. Đây là sản phẩm do công ty công nghệ sinh học CanSino (Thiên Tân, Trung Quốc) hợp tác với các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo.
Nhà khoa học phụ trách các thử nghiệm lâm sàng, giáo sư Scott Halperin từ Đại học Dalhousie (Canada), hồi giữa tháng 5 nói rằng ông hi vọng giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sẽ bắt đầu vào cuối tháng. Tuy nhiên, 3 tuần trước, ông Halperin cho biết ông chưa nhận được bất cứ liều vắc-xin nào để thử nghiệm.
Bộ Y tế Canada nói rằng lô vắc-xin đã bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc giữ lại.
Ngày 30/7, Hội đồng nghiên cứu quốc gia Canada (NRC) xác nhận với SCMP rằng phía hải quan Trung Quốc chưa thông quan lô vắc-xin thử nghiệm. Tuy nhiên, nguyên nhân của động thái này vẫn chưa được công bố.
Khi thỏa thuận giữa CanSino và Canada được thông qua vào tháng 5, giới quan sát đã bày tỏ sự ngạc nhiên với thỏa thuận này vì quan hệ giữa Canada và Trung Quốc căng thẳng về vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ hồi năm 2018.
Cả CanSino và phía hải quan Trung Quốc đều chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, hôm 11/7, phía CanSino cho biết họ đang bàn bạc với phía Nga, Brazil, Chile và Ả rập Xê út để thử nghiệm giai đoạn 3, với kế hoạch tuyển 40.000 tình nguyện viên.
Ứng viên vắc-xin trên đã trải qua 2 lần thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc và được cho phép sử dụng trong quân đội tại nước này. Tuy nhiên, nó cần phải hoàn tất tất cả 3 giai đoạn thử nghiệm ở Canada.
NRC cho hay họ vẫn đang hợp tác với CanSino liên quan tới vắc-xin Ad5-nCoV.
Từ tháng 3, Ad5-nCoV là ứng viên vắc-xin đầu tiên của Trung Quốc được thử nghiệm trên người và được cấp phép thử nghiệm ở nước ngoài. CanSino buộc phải thực hiện xét nghiệm trên diện rộng giai đoạn cuối ở nước ngoài vì số ca Covid-19 ở Trung Quốc hiện ở mức không đủ cao để nghiên cứu sự hiệu quả của vắc-xin.
CanSino đăng tải thông tin về giai đoạn 2 thử nghiệm vào ngày 20/7, nhưng cho đến nay, chưa có bất cứ thông báo nào về giai đoạn 3 và giai đoạn cuối. Trong khi đó, một số công ty vắc-xin khác của Trung Quốc như Sinopharm và Sinovac đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối.
Chuyên gia vắc-xin Trung Quốc Tao Lina cho hay ông không biết lý do cụ thể của việc lô vắc-xin của CanSino không được thông quan, nhưng tỏ ra bi quan về viễn cảnh của việc hợp tác, do quan hệ ngoại giao chưa được cải thiện giữa Trung Quốc và Canada.
“Quan hệ giữa các quốc gia rất quan trọng khi hợp tác quốc tế, ví dụ như việc thực hiện các thử nghiệm lâm sàng”, ông Tao nói, nhấn mạnh các nước hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ nhận được ưu tiên tiếp cận vắc-xin và được cấp phép sản xuất trong tương lai.
Tại Canada, Thượng nghị sĩ Doug Black nhấn mạnh rằng sự đình trệ trong thỏa thuận với CanSino cho thấy sự cần thiết trong việc Canada thúc đẩy tự nghiên cứu vắc-xin của riêng họ.