1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Su-25 bị bắn rơi: Vì sao radar của Nga bất lực?

(Dân trí) - Hệ thống radar của Nga đã không thể ngăn chặn vụ tấn công bằng tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) của phiến quân ở Syria nhằm vào máy bay chiến đấu Su-25, máy bay từng gây "ác mộng” cho phiến quân ở đây.

Nga công bố video Su-25 bị phiến quân Syria bắn rơi

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận, hôm 3/2, một máy bay chiến đấu Su-25 của Không quân nước này đã bị bắn hạ bởi hệ thống MANPAD của phiến quân ở tỉnh Idlib của Syria. Phi công Su-25 tuy đã nhảy dù thoát ra ngoài nhưng đã thiệt mạng sau đó trong một cuộc đối đầu với phiến quân.

Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov cho biết, chiếc Su-25 này đã bị bắn rơi khi bay qua không phận ở khu vực giảm căng thẳng ở Syria.

Cũng theo chuyên gia này, vụ tấn công cho thấy sự thất bại của hệ thống radar Nga. “Hệ thống radar của máy bay không thể phát hiện vụ tấn công bằng các tên lửa phòng không như Stinger hay Igla của phiến quân bởi các tên lửa này được trang bị đầu đạn dẫn đường bị động. Igla có tầm bắn tối đa 3km, nghĩa là thời điểm bị tấn công, phi công đang điều khiến Su-25 hoạt động ở tầm thấp. Điều này có thể lý giải là do phi công nghĩ rằng đang đi vào khu vực giảm căng thẳng và có lẽ sẽ không bị tấn công”, ông Sivkov nhận định.

Chuyên gia này cho rằng, qua sự việc đáng tiếc trên, Không quân Nga sẽ tăng cường an ninh cho các chuyến bay ở khu vực giảm căng thẳng ở Syria. Ông Sivkov tin rằng những kẻ khủng bố có thể mua MANPAD trên thị trường đen hoặc cướp vũ khí này từ các kho quân sự ở Syria hoặc Iraq.

Vụ tấn công Su-25 xảy ra hôm 3/2 tại khu vực do nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham kiểm soát ở Syria.

Ngay sau vụ tấn công, lực lượng quân sự Nga đã phóng tên lửa hành trình trả đũa vào các vị trí của Tahrir al-Sham tại Idlib làm ít nhất 30 tay súng phiến quân bị tiêu diệt.

Phía Nga và Syria cũng đang ráo riết truy lùng nguồn gốc của vũ khí đã bắn hạ Su-25. "Hiện đặc nhiệm Syria đang làm việc tại hiện trường. Nếu họ tìm thấy các bộ phận tên lửa, chúng tôi có thể lần ra số seri và xác định nguồn gốc nhà máy sản xuất trong vài ngày, tìm ra làm cách nào nó đến được đó", nghị sĩ Nga Vikotor Volodarsky cho biết.

Về phần mình, Mỹ khẳng định không cung cấp tên lửa phòng không vác vai cho phiến quân ở Syria. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Adrian J.T. Rankine-Galloway nói: "Mỹ chưa cung cấp vũ khí phòng không cho bất cứ lực lượng liên minh nào ở Syria".

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 9/2015. Sau chiến dịch hơn 2 năm, Nga đã mất 4 máy bay và một số trực thăng tại đây.

Khoảnh khắc cuối cùng của phi công Su-25 Nga bị bắn rơi ở Syria

Minh Phương

Theo Sputnik