1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp, đất nước bên bờ vực hỗn loạn

Thanh Thành

(Dân trí) - Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, hiện giữ chức Tổng thống tạm quyền Sri Lanka, ngày 13/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, vài giờ sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy khỏi đất nước.

Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp, đất nước bên bờ vực hỗn loạn  - 1

Người biểu tình Sri Lanka phản đối Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bên ngoài văn phòng của ông ở Colombo trong ngày 13/7 (Ảnh: AP).

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Văn phòng thủ tướng Sri Lanka, ông Dinouk Colombage cho biết: "Vì Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước, tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm giải quyết tình hình trong nước".

Đây là lần thứ ba trong hơn 3 tháng qua, quốc gia Nam Á phải dùng quyền hạn khẩn cấp, lần gần nhất là ngày 6/5.

"Thủ tướng với tư cách là Quyền tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp (trên toàn quốc) và áp đặt lệnh giới nghiêm ở tỉnh miền Tây", Thư ký truyền thông của ông Wickremesinghe, Dinouk Colombage, tuyên bố. Cảnh sát cũng cho biết đang áp đặt lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên khắp tỉnh miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để ngăn chặn các cuộc biểu tình ngày càng tăng.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe ban bố tình trạng khẩn cấp khi hàng trăm người vây quanh văn phòng của ông ở Colombo cố gắng đột nhập khu vực này, bất chấp hàng rào an ninh của cảnh sát. Cảnh sát bắn nhiều loạt đạn hơi cay và một trực thăng quân sự liên tục bay quanh để đảm bảo an ninh.

Tổng thống Rajapaksa đã rời khỏi đất nước trước đó trong ngày tới Maldives trên một chuyến bay của lực lượng không quân vài giờ trước khi ông tuyên bố từ chức. Điều này càng đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Sri Lanka đến bờ vực thẳm.

Theo các nguồn tin, ông Rajapaksa cùng vợ, vệ sĩ rời quốc đảo trên chiếc máy bay quân sự Antonov-32 và đáp ở Maldives vào sáng ngày 13/7 giờ địa phương. "Hộ chiếu của họ đã được đóng dấu để lên chuyến bay của lực lượng không quân đặc biệt", một quan chức cho biết.

Theo nguồn tin, đây là yêu cầu của chính phủ hiện tại và đã được bộ quốc phòng chấp thuận. Nguồn tin từ chính phủ cho biết, tổng thống rất có thể sẽ đến một quốc gia châu Á khác từ Maldives.

Chuyến bay đến Maldives của Tổng thống Rajapaksa chấm dứt thời kỳ cầm quyền của gia tộc Rajapaksa hùng mạnh ở quốc gia Nam Á trong hai thập niên qua.

Khi tin tức về chuyến bay của tổng thống lan rộng, hàng nghìn người đã tập trung tại địa điểm biểu tình chính ở Colombo và hô vang các khẩu hiệu phản đối ông.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát mạnh vào cuối tuần trước khi hàng trăm nghìn người chiếm các tòa nhà chính phủ quan trọng ở thủ đô Colombo.

Trong nhiều ngày, mọi người đã đổ xô đến dinh tổng thống, tận hưởng cuộc sống ở đây. Có thời điểm, họ còn đốt nhà riêng của thủ tướng. "Thật buồn khi ông ấy đã bỏ trốn. Ông ấy đáng lẽ phải ngồi tù", Malik D' Souza, một người biểu tình 25 tuổi đang chiếm giữ văn phòng tổng thống, nói.

Những người chỉ trích đổ lỗi chính phủ của Tổng thống Rajapaksas và các đồng minh gây ra tình trạng lạm phát, tham nhũng và tình trạng thiếu nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của đảo quốc này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 và sau đó bị sụt giảm lượng kiều hối từ những người Sri Lanka ở nước ngoài. Cuộc xung đột Ukraine càng khiến tình hình ở nước này thêm tồi tệ.

Sri Lanka hiện đang tìm kiếm nguồn tài chính cầu nối để khôi phục dòng chảy lương thực và nhiên liệu cho người dân khi đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay dài hạn nhằm ổn định tài chính của quốc gia.\

Người biểu tình tận hưởng xa hoa bên trong dinh tổng thống Sri Lanka

Theo SCMP