Số phận bấp bênh của thỏa thuận “đình chiến” thương mại Mỹ-Trung sau vụ bắt giám đốc Huawei
(Dân trí) - Sau sự việc Canada bắt bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính công ty viễn thông Huawei, theo yêu cầu của Mỹ, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về số phận của thỏa thuận “đình chiến” thương mại mà Wasington và Bắc Kinh đạt được tại hội nghị G20 tuần trước.
Ngày 5/12, Canada đã xác nhận thông tin đã bắt giữ bà Meng vào ngày 1/12 khi nữ doanh nhân này đang chờ chuyến bay ở Canada và Mỹ đang thực hiện thủ tục để dẫn độ bà Meng về xét xử ở một tòa án New York.
Vụ bắt giữ con gái nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Họ yêu cầu Mỹ và Canada phóng thích bà Meng ngay lập tức.
Dù chưa rõ nguyên nhân nữ doanh nhân quyền lực này vướng phải vòng lao lý, nhưng theo cây viết John Hemmings của Business Insider, những tác động từ sự việc này có thể khá nghiêm trọng.
Đầu tiên, vụ bắt giữ xảy ra vào thời điểm mà các nước Phương Tây, đặc biệt là liên minh tình báo Five Eyes (gồm 5 nước Australia, Anh, Canada, New Zealand, Mỹ) đang cân nhắc lại sự hiện diện của Huawei trong nền tảng hạ tầng số của các quốc gia này vì lý do an ninh.
Từ trước tới nay, các quốc gia trên đã quan ngại về mối quan hệ giữa ông Ren Zhengfei và chính phủ Trung Quốc và họ đã sớm có những động thái nhằm hạn chế Huawei “xâm nhập” vào mạng lưới viễn thông. Vụ việc lần này có thể sẽ khiến Anh, quốc gia trong liên minh Five Eyes chưa có động thái cứng rắn với Huawei, sẽ hành động tương tự như Mỹ, Australia hay New Zealand.
Thứ hai, ông Hemmings cho rằng động thái của Mỹ có thể đẩy thỏa thuận “đình chiến” mà Mỹ và Trung Quốc đạt được bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 tuần qua vào tình thế "lâm nguy".
Sự quan ngại này hoàn toàn có cơ sở khi ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bàn bạc về thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì cũng vào ngày hôm đó, Canada đã bắt giữ bà Meng theo yêu cầu của Washington.
Reuters dẫn nguồn tin rằng từ tháng 4, chính quyền Mỹ đã bắt đầu điều tra Huawei với nghi vấn rằng công ty này từ năm 2016 đã vận chuyển hàng hóa xuất xứ Mỹ sang Iran và các quốc gia khác, động thái vi phạm luật xuất khẩu và lệnh trừng phạt của Mỹ.
Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại học viện khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng vụ bắt giữ bà Meng “thật sự gây sốc”. Ông Lu cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ sử dụng tối đa mọi nguồn lực để đòi lại tự do cho bà Meng. Ông nhận định nếu Mỹ sử dụng doanh nhân này như “lá bài” để củng cố vị thế vững chắc hơn trong đàm phán song phương, Trung Quốc sẽ theo đến cùng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Arthur Kroeber, người sáng lập tổ chức Gavekal Dragonomics (Hong Kong), Trung Quốc sẽ khó có khả năng trừng phạt các công ty Mỹ đang kinh doanh tại nước này, do lợi ích của các doanh nghiệp này đang chồng chéo với lợi ích của Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra với chiều hướng phức tạp.
“Bạn có thể chơi “rắn” với một nước nhỏ, nhưng bạn không thể làm vậy với Mỹ. Thực tế là họ (Trung Quốc) có thể tổn thương nếu như cố tình làm khó các công ty của Washington”, ông Kroeber nhận xét.
Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại Huawei có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” của ZTE, một trong những công ty viễn thông lớn của Trung Quốc. Họ cũng đã chịu “đòn” từ Washington với cáo buộc đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Triều Tiên và Iran. Lệnh cấm đã được gỡ bỏ hồi tháng 7 năm nay sau khi ZTE đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và chấp nhận các biện pháp giám sát từ phía Mỹ.
Theo Business Insider, ZTE đã thiệt hại ít nhất 7 tỷ USD. Lệnh trừng phạt từ phía Mỹ đã khiến cho ZTE lao đao, và nếu một lệnh tương tự được áp dụng lên Huawei, nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng.
Đức Hoàng
Tổng hợp