1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Số người chết trên phà Hàn Quốc tăng từng giờ

(Dân trí) - Sau khi các thợ lặn vào được bên trong phà Sewol rạng sáng nay, có ngày càng nhiều thi thể được đưa ra. Đến nay đã có 54 người được xác định thiệt mạng, còn gia đình các nạn nhân đã xô xát với các lực lượng chức năng.

Sáng nay, gia đình các nạn nhân có mặt trên chiếc phà Sewol bị chìm đã biểu tình đầy giận dữ về chiến dịch cứu hộ. Cảnh sát đã chặn khoảng 100 người đang cố tìm cách rời đảo Jindo với ý định diễu hành tới thủ đô Seoul.

Việc đưa thi thể các nạn nhân lên đang diễn ra với nhiều khó khăn
Việc đưa thi thể các nạn nhân lên đang diễn ra với nhiều khó khăn

Sau hơn 3 ngày bế tắc, cuối cùng các thợ lặn cũng đã vào được bên trong con phà và đưa ra 22 thi thể, nâng tổng số người được xác định thiệt mang lên 54.

Tuy nhiên vẫn còn 248 người mất tích, sau khi phà bị chìm hôm thứ Tư. 174 người đã được giải cứu trước đó.

Gia đình nạn nhân biểu tình

Kể từ sau vụ chìm phà đến nay, nhiều người thân của những hành khách trên phà đã có mặt tại đảo Jindo, một địa phương phía phía Tây Nam Hàn Quốc. Hàng trăm người đang cắm trại tại một nhà thi đấu trên đảo này để chờ đợi tin tức từ lực lượng cứu hộ.

Xô đẩy đã xảy ra khi một nhà gia đình các nạn nhân cố gắng băng qua một cây cầu để về đất liền, với mục đích được cho là diễu hành tới phủ Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc tại Seoul, cách đó 420 km về phía Bắc. 

Gia đình các nạn nhân xô đẩy với cảnh sát tại Jindo
Gia đình các nạn nhân xô đẩy với cảnh sát tại Jindo

“Đưa thi thể con tôi đây để tôi có thể thấy mặt và ôm nó”, một người phụ nữ hét lên.

Lee Woon-geun, cha của một hành khách mất tích có tên Lee Jung-in, 17 tuổi cho biết: “Chúng tôi muốn có câu trả lời từ người chịu trách nhiệm về việc tại sao các mệnh lệnh không được truyền đi và không có việc gì được triển khai. Họ rõ ràng đang nói dối và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”.

“Chính phủ không có nỗ lực thực sự nào để giải cứu những ai còn sống. Họ chỉ quan tâm đến việc lôi ra những xác chết”, Jang Chul-Soon, 37 tuổi, người có mẹ trên chuyến phà bị chìm tuyên bố.

Trước đó, trong ngày thứ Bảy, một số người thân các nạn nhân còn lao vào tấn công các quan chức Hàn Quốc và ném chai nước về phía thủ tướng nước này, ông Chung Hong-won.

“Tôi đã không ngủ nổi vì chúng tôi, những cha mẹ học sinh phải tự làm mọi thứ”, ông Kim Hoonmin, 42 tuổi, người có con gái mất tích nói. “Đêm qua tôi ra hiện trường tới tận 2 giờ 40 phút sáng.

Một người thân của nạn nhân tấn công quan chức tại Jindo
Một người thân của nạn nhân tấn công quan chức tại Jindo

Chúng tôi đã thuê một tàu ngầm không người lái để cố gắng quay phim bên trong con tàu nhằm giúp thợ lặn có thể phân tích nó. Chúng tôi cũng muốn có một robot dọn đường cho các thợ lặn. Nhưng tại sao chúng tôi phải làm những việc này? Tại sao không phải là các nhân viên cứu hộ làm việc đó?”

Các gia đình đều muốn nhận được thi thể người thân trước khi bị phân hủy.

Ngay cả thủ tướng Hàn Quốc có mặt tại Jindo cũng đã phải lên tiếng thuyết phục các gia đình không diễu hành tới Seoul, do các quan chức lo ngại tranh cãi này có thể biến thành một vấn đề chính trị quốc gia và làm tổn hại chính phủ.

Các tàu mang theo 13 thi thể vừa mới được đưa lên đã về đến cảng Paengmok trên đảo Jindo sáng nay.

Các thi thể được đặt trong những căn lều trên cảng, cách không xa nơi xảy ra tai nạn. Các thi thể được nhận dạng và làm nhiều thủ tục khác, trước khi người thân của họ được thông báo và đề nghị đến nhận dạng chính thức.

Một số sỹ quan cảnh sát đứng gác bên ngoài những lều này đã không giấu những giọt nước mắt, trong khi tiếng khóc, tiếng gào thét của gia đình các nạn nhân có thể được nghe thấy ở bên trong.

Khoảng 200 tàu, 34 máy bay và 600 thợ lặn đang tham gia chiến dịch giải cứu. Các tàu câu mực với hệ thống đèn pha mạnh cũng được huy động để chiếu sáng cho các thợ lặn làm việc. Tuy nhiên dòng chảy vẫn mạnh và tầm nhìn hạn chế là những khó khăn cho công tác cứu hộ.

Xem clip


Thanh Tùng
Tổng hợp