1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Số người chết tăng vọt, thế giới cấp tập tìm vắc xin chống dịch corona

(Dân trí) - Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm mẫu vắc xin chống virus corona chủng mới trên động vật và đẩy nhanh tiến độ tìm giải pháp đối phó dịch, trong bối cảnh số người chết tăng lên 910.

Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống virus corona trên động vật
Số người chết tăng vọt, thế giới cấp tập tìm vắc xin chống dịch corona - 1

Các mẫu vắc xin chống virus nCoV sẽ được thử nghiệm trên chuột. (Ảnh: CGTN)

 

Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống virus corona trên động vật

Việc thử nghiệm trên động vật là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ loại vắc xin nào trước khi được đưa ra sử dụng cho cộng đồng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tongji ở Thượng Hải đang sử dụng những con chuột khỏe mạnh để thử nghiệm các mẫu vắc xin mới nhất nhằm chống lại virus nCoV.

Liu Zhongmin, giám đốc Bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc Trường Y tại Đại học Tongji, nói với CGTN rằng việc thử nghiệm trên chuột chỉ là bước sàng lọc ban đầu để chọn ra các vắc xin tiềm năng. Sau đó, các vắc xin tiềm năng này sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên những loài động vật lớn hơn như khỉ. Quá trình này sẽ cho phép các khoa học đánh giá mức độ an toàn của vắc xin trước khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Giám đốc Liu cho biết tổng cộng hơn 100 con chuột đã được tiến hành thử nghiệm hôm 9/2.

Việc thử nghiệm trên động vật là bước tiếp theo trong quy trình phát triển vắc xin thực sự. Để đảm bảo tính khách quan, việc thử nghiệm trên động vật với cùng mẫu vắc xin cũng được tiến hành đồng thời tại Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc và Viện Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia ở Bắc Kinh.

Theo Giám đốc Liu, vắc xin dựa trên mRNA là một trong những công nghệ sản xuất vắc xin hiện đại và đặc biệt nhất hiện nay, với thời gian chuẩn bị ngắn hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.

Các vắc xin chống virus nCoV được đồng thiết kế và phát triển bởi Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, Đại học Tongji và một công ty vắc xin Thượng Hải.

Tiến sĩ Li Hangwen, giám đốc điều hành công ty Stemirna Therapeutics LLC, cho biết thông thường vắc xin cần trải qua 3 bước thử nghiệm lâm sàng. Thời gian có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm, tùy theo giai đoạn thử nghiệm và bệnh nhân thử nghiệm.

Nếu các cuộc thử nghiệm trên động vật diễn ra suôn sẻ, Tiến sĩ Li hy vọng họ có thể bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng sâu hơn vào đầu tháng 4. Mặc dù công chúng vẫn muốn có một phương thuốc để chấm dứt dịch corona nhanh chóng, song các nhà khoa học nói rằng một loại vắc xin hiệu quả bắt buộc phải trải qua quá trình thử nghiệm cẩn trọng trước khi được sử dụng rộng rãi.

Thế giới cấp tập tìm vắc xin

Số người chết tăng vọt, thế giới cấp tập tìm vắc xin chống dịch corona - 2

Các nhà khoa học Trung Quốc thử nghiệm vắc xin chống virus corona trên động vạt. (Ảnh: CGTN)

Các nhà khoa học trên toàn thế giới đều đang sử dụng công nghệ mới trong cuộc đua tham vọng trị giá nhiều triệu USD để tìm ra vắc xin chống virus nCoV.

Để chế tạo được một loại vắc xin mới thường phải mất nhiều năm, với quá trình thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng trên người và được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các nhóm chuyên gia đang chạy đua để đẩy nhanh tiến độ chế tạo vắc xin chống virus nCoV, và các nhà khoa học Australia hy vọng có vắc xin trong 6 tháng tới. 

"Đây là tình huống sức ép cao và gánh nặng trên vai chúng tôi rất lớn. Hy vọng một trong số chúng ta sẽ thành công và có thể ngăn chặn được dịch", nhà nghiên cứu cao cấp Keith Chappell, thuộc Đại học Queensland của Australia, nói.

Các nhà khoa học Pháp tại Viện Pasteur ở Paris cũng đang điều chỉnh vắc xin sởi để chống virus nCoV, tuy nhiên quá trình này được dự đoán kéo dài ít nhất 20 tháng. Trong khi đó, công ty sinh phẩm Đức CureVac, cùng các công ty Moderna Therapeutics và Inovio của Mỹ cũng đang phát triển các vắc xin sử dụng các công nghệ mới.

Vì hiện tại chưa có vắc xin chống virus nCoV, một số bác sĩ đang tìm cách trị bệnh bằng cách kết hợp thuốc kháng virus với thuốc cúm, tuy nhiên vẫn chưa thể kết luận về mặt khoa học là biện pháp này có hiệu quả hay không.

Rốt cuộc, các nhà khoa học có thể sẽ rơi vào tình huống tương tự đại dịch SARS hồi năm 2002-2003, khi dịch được dập tắt trước khi có bất kỳ loại vắc xin nào được chế tạo thành công. 

Thành Đạt

Theo SCMP, CGTN - Video: CGTN