Số ca mắc tăng mạnh, Singapore chưa sẵn sàng sống chung với Covid-19
(Dân trí) - Nhiều nơi tại Singapore đã tái áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt giống như phong tỏa, chỉ ít tuần sau khi chính phủ lên kế hoạch sống chung với Covid-19 và coi nó như một căn bệnh đặc hữu.
Các chợ ẩm thực, trung tâm bán hàng rong và quán cà phê tại Singapore lại một lần nữa trở nên yên ắng sau khi các quy định hạn chế chặt chẽ phòng chống Covid-19 được tái áp dụng vào ngày 22/7, khi số ca nhiễm mới cộng đồng trong tuần ở Singapore tăng cao nhất trong 11 tháng qua. Động thái này là "một bước lùi lớn" đối với kế hoạch mở cửa trở lại của quốc đảo này.
Singapore ngày 25/7 ghi nhận 117 ca mắc Covid-19, trong đó có 46 ca liên quan tới cảng cá Jurong và 5 ca liên quan tới các quán karaoke.
Số ca Covid-19 tại Singapore đã tăng mạnh trở lại kể từ giữa tháng 7, khiến giới chức phải thắt chặt các biện pháp hạn chế.
Kế hoạch "sống chung với Covid-19" của Singapore bị thách thức khi số ca nhiễm tăng mạnh tại những ổ lây nhiễm mới ở cảng cá, các quán karaoke và nhanh chóng lan sang các chợ hải sản tươi sống, nơi người cao tuổi thường xuyên lui tới. Đây là nhóm dân số được ưu tiên tiêm vắc xin sớm nhưng mức độ tiếp nhận thấp nhất.
Dù đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực, nhưng nguy cơ lây nhiễm tăng cao do biến chủng Delta đã khiến Singapore phải áp dụng lại các hạn chế trong tháng 5 và tháng 6, cấm ăn uống tại nhà hàng, đóng cửa các địa điểm đông người như phòng tập thể dục…, và hạn chế tụ tập quá 2 người.
Phát biểu trước các phóng viên hôm 21/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Ong Ye Kung nói rằng, cần phải có những biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn để ngăn chặn "làn sóng gia tăng không thể kiểm soát của các ca bệnh, có thể dẫn đến nhiều ca bệnh nặng hoặc thậm chí tử vong" ở những người cao tuổi chưa tiêm. Ông cho biết, hơn 200.000 người dân trên 60 tuổi vẫn chưa được tiêm chủng.
"Bây giờ không phải là lúc để mạo hiểm tất cả", Bộ trưởng Ong, đồng lực lượng đặc nhiệm đa bộ ứng phó với Covid-19 của Singapore, nói khi đề cập đến mục tiêu của thành phố là có 2/3 dân số tiêm vắc xin trước ngày 9/8 (Quốc khánh Singapore).
Cho đến nay, hơn 50% trong tổng dân số 5,7 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa Covid-19, trong khi 73% số dân tiêm ít nhất một liều.
Hsu Li Yang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng tỷ lệ tiêm chủng hiện nay có lẽ không đủ cao để ngăn chặn sự làn sóng lây nhiễm bệnh nặng và có thể tử vong do Covid-19 nếu tình hình hiện tại không được kiểm soát.
Bùng lên những tranh cãi
Các biện pháp hạn chế mới, dự kiến kéo dài đến ngày 18/8 và sẽ được xem xét sau 2 tuần, đã làm tắt dần hy vọng về một tương lai "sống chung với Covid-19" mà giới chức Singapore lên kế hoạch, và gây thất vọng với nhiều người vốn đang mong muốn thoát khỏi đại dịch, đặc biệt là chủ các doanh nghiệp.
Một số nhà quan sát đã chỉ trích các hạn chế mới nhất là trái với tinh thần của phương pháp tiếp cận "bình thường mới" được công bố rộng rãi.
Đợt bùng phát dịch mới nhất cũng làm bùng nổ làn sóng chỉ trích về việc thiếu thực thi các biện pháp chặt chẽ hơn ở các quán karaoke hay quán bar… Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng, ổ lây nhiễm cảng cá Jurong đáng lo ngại hơn ổ lây nhiễm ở các quán karaoke, nơi số ca nhiễm bệnh chủ yếu là thanh niên.
Một số người dân so sánh tình hình của đất nước với cảnh ăn mừng ở Mỹ, Israel hay Anh, nơi các biện pháp hạn chế phần lớn đều đã được gỡ bỏ sau khi các nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng ngang bằng Singapore.
Covid-19 cũng phủ bóng đen lên các lễ kỷ niệm và lễ diễu hành Quốc khánh, dự kiến diễn ra vào ngày 9/8 và hiện đã bị hoãn đến 21/8.
Tuy nhiên, ông Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc NUS, cho rằng nhiều người đã hiểu lầm rằng Singapore đã bắt đầu thử nghiệm biện pháp "sống chung với Covid-19", mặc dù các nhà chức trách giải thích rằng, mọi quyết định đều sẽ tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm vắc xin và mức đề kháng với virus trong dân số.
"Điều này (sống chung với Covid-19) dự kiến sẽ xảy ra vào khoảng tháng 8. Cho đến lúc đó, Singapore vẫn cảnh giác cao độ để hạn chế mức độ lây nhiễm trong cộng đồng nhằm bảo vệ những người chưa được tiêm hoặc mới tiêm 1 liều", ông Teo Yik Ying nói và cho biết thêm, rằng sự thất vọng của người dân Singapore là điều dễ hiểu.
Các chuyên gia y tế kỳ vọng, khả năng miễn dịch cộng đồng của Singapore sẽ cao hơn nhiều khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 8, mặc dù các biện pháp hạn chế như tụ tập đông người, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang, có khả năng vẫn được áp dụng một thời gian sau đó cho đến khi tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn nữa.
"Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên và số người bị bệnh nặng chỉ ở mức một con số, chúng ta sẽ chuyển sang học cách sống chung với virus", ông Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Nhiễm trùng Châu Á - Thái Bình Dương cho biết.