Số ca Covid-19 ở Singapore tăng mạnh bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao
(Dân trí) - Singapore ghi nhận tổng cộng 1.939 ca mắc mới trong ngày 26/9. Giới chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng lúc này với Singapore là tiếp tục tăng độ phủ vắc xin.
Channel News Asia dẫn số liệu từ Bộ Y tế Singapore cho biết, trong ngày 26/9, nước này ghi nhận tổng cộng 1.939 ca mắc mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ đầu dịch ở nước này và đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp số ca trong ngày vượt ngưỡng 1.000.
Các ca nhiễm mới này gồm 1.536 ca nhiễm cộng đồng, gần 400 ca trong các khu ký túc xá, 5 ca nhập cảnh. Xét theo độ tuổi, hơn 400 ca mắc mới là người trên 60 tuổi.
Tính đến ngày 26/9, tổng số người mắc Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát tại Singapore là gần 88.000 ca.
Trong ngày 26/9, Singapore cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong do Covid-19. Cả hai trường hợp này đều là người trên 60 tuổi và chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, số người chết vì Covid-19 tại Singapore là 78, trong đó, riêng tháng 9 đã có 23 trường hợp.
Hiện chỉ còn khoảng 1.200 bệnh nhân phải điều trị trong bệnh viện, trong đó 172 ca bệnh nặng cần hỗ trợ oxy, 30 trường hợp phải điều trị tích cực, chủ yếu là người trên 60 tuổi.
Cụm dịch mới được phát hiện ở Singapore là khu chợ đầu mối Pasir Panjang và một số khu ký túc xá.
Số ca nhiễm mới có xu hướng tăng mạnh gần đây sau khi Singapore bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Điều này khiến giới chức ở quốc đảo sư tử buộc phải tạm ngừng mở cửa hơn nữa nền kinh tế trong khi tiếp tục tăng độ phủ vắc xin cho người dân.
Tính đến hiện tại, Singapore đã tiêm chủng đầy đủ cho 82% dân số, và khoảng 85% dân số Singapore đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19.
Vì sao số ca nhiễm vẫn tăng dù tỷ lệ tiêm chủng cao?
Phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói: "Sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm trong ngày mà chúng ta đang trải qua cũng là thực trạng mà tất cả các nước đang tìm cách sống chung với Covid-19 phải trải qua ở thời điểm nào đó".
Các chuyên gia cũng cho biết, mặc dù số ca nhiễm tăng nhanh trở lại, nhưng tỷ lệ ca bệnh nặng giảm mạnh, điều này là nhờ vào hiệu quả của vắc xin.
Giáo sư Dale Fisher của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore bình luận: "Vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì Covid-19. Do vậy, chúng ta hy vọng rằng, số ca nhiễm mới ở người đã tiêm chủng sẽ rất thấp, tuy không thể về con số 0. Trong khi đó, những người chưa tiêm chủng chiếm tỷ lệ lớn trong số ca nhiễm mới".
Ông Fisher cũng cho rằng, chính phủ Singapore chưa nên vội vã nới lỏng các biện pháp hạn chế cho đến khi số ca bệnh nặng giảm và điều này có thể mất vài tháng. Mặt khác, theo ông, Singapore không cần thiết phải thắt chặt các biện pháp hạn chế ở thời điểm này.
Ông Fisher và nhiều chuyên gia khác đều nhất trí quan điểm rằng, tăng độ phủ vắc xin cho người dân và giám sát các biện pháp an toàn vẫn là yếu tố quan trọng.