Sinh viên Trung Quốc “đổ xô” vay tiền phẫu thuật thẩm mỹ để đổi đời
(Dân trí) - Ngày càng nhiều các sinh viên Trung Quốc chấp nhận đi vay những khoản tiền lớn nhằm “trùng tu” nhan sắc với hy vọng diện mạo mới có thể giúp mình thay đổi tương lai.
Thị trường tăng trưởng bùng nổ
Theo ông Peng Weihong, trợ lý tổng giám đốc của bệnh viện Thẩm mỹ Huamei Quảng Châu, Trung Quốc, một trong những bệnh viện có tiếng trong khu vực, có 1/6 trong tổng số 300 sinh viên đăng ký phẫu thuật mùa hè năm nay đi vay tiền để làm đẹp.
Từ giữa năm 2015, các dịch vụ cho vay tiền đã hướng tới phân khúc khách hàng là sinh viên cần tiền phẫu thuật thẩm mỹ. Chuyên gia nghiên cứu cao cấp Ke Sufang thuộc viện nghiên cứu Qianzhan cho biết tập đoàn dịch vụ tài chính Ant thuộc tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba đã bắt đầu mở ra dịch vụ cho vay và trả góp chi phí phẫu thuật thẩm mỹ từ tháng 3.
Các khoản vay để phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện Huamei dao động từ 1.500 USD tới 4.500 USD. Sự bùng nổ của các khoản vay đến từ nhu cầu rất lớn từ thị trường. Theo ông Peng, quy mô của thị trường phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc vào khoảng 796,3 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 120 tỷ USD, với mức độ tăng trưởng hàng năm là 20%. Chi phí cho những phẫu thuật này cũng tăng nhanh chóng.
Giám đốc quan hệ công chúng Du Xiuming, phòng khám y học thẩm mỹ Mylike của Quảng Châu cho biết lượng khách hàng từ 18-24 tuổi phẫu thuật thẩm mỹ trong tháng 7 đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán con số tăng trưởng này sẽ không dừng lại.
Một số sinh viên được sự động viên của bố mẹ thể hiện tư tưởng thoáng hơn từ thế hệ đi trước. Hầu như các sinh viên chọn làm những tiểu phẫu đơn giản như làm mắt 2 mí, tẩy mụn, triệt lông, làm răng, tiêm chất làm căng da.
Theo bà Ke, phân khúc khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ là sinh viên chiếm 12% chỉ xếp sau tầng lớp lao động trí thức và những người làm trong ngành thời trang.
Vì sao chọn phẫu thuật thẩm mỹ?
Guo, 23 tuổi, một sinh viên sau đại học ở Bắc Kinh, cho biết anh chi 1.500 USD để đã làm căng da và tiêm botox. Để có được khoản tiền đó, anh đã đi vay từ dịch vụ tài chính Alipay vì những người anh quen biết đều làm như thế. Sau đó, Guo sẽ phải làm thêm các công việc ngoài giờ để trả khoản vay trong 6 tháng với một chút ít tiền lãi.
Một sinh viên 22 tuổi đến từ tỉnh Sơn Tây đã quyết định vay 1.000 USD để cắt mí mắt và làm mũi. Cô chia sẻ rằng mình phải giấu gia đình cũng như không thể xin sự trợ giúp về tài chính vì gia đình cô khá truyền thống và bảo thủ. Trong vòng 3 tháng cắt bớt các khoản chi tiêu, cô đã trả được nợ và cho biết trong tương lai cô vẫn sẽ phẫu thuật tiếp.
Theo ông Peng, số lượng sinh viên phẫu thuật thẩm mỹ tiếp tục tăng lên do ngày càng nhiều người tin rằng vẻ bề ngoài là yếu tố quan trọng để làm nên thành công trong cuộc sống. Có vẻ như họ đã “nhiễm” quan điểm từ việc quan sát những người nổi tiếng trên truyền hình hoặc trên mạng Internet và lấy đó làm hình mẫu.
Bà Ke cho rằng, trong tương lai việc sinh viên vay tiền có lẽ sẽ khó khăn hơn do chính quyền bắt đầu có những chính sách thắt chặt với các khoản vay cho sinh viên.
Ngoài ra ông Peng Peng, phó chủ tịch hội đồng chuyên gia của tổ chức nghiên cứu South Nongovernmental tại tỉnh Quảng Đông, còn cảnh báo rủi ro đến từ những khoản vay của sinh viên.
Theo ông, các sinh viên nên cân nhắc kỹ năng lực tài chính để tránh khỏi những khoản vay kiểu “tín dụng đen” hay những khoản vay thế chấp bằng “ảnh khỏa thân” vì điều đó có thể dẫn tới vấn nạn tống tiền sau này. Đây là câu chuyện đã xảy ra trong thực tế khi những người cho vay đã dọa sẽ tung ra ảnh “nóng” của người vay tiền nếu như không trả được nợ.
Cuối cùng, ông cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ không phải là điều tiên quyết để dẫn đến thành công.
Đức Hoàng
Theo Straits Times