1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu tàu sân bay đắt nhất thế giới của Mỹ liên tục gặp sự cố

Đức Hoàng

(Dân trí) - Sau 3 năm được bàn giao hải quân Mỹ, tàu USS Gerald R. Ford - tàu sân bay đắt nhất thế giới với chi phí 13,2 tỷ USD - vẫn liên tục gặp sự cố dẫn tới không thể sẵn sàng tác chiến.

Siêu tàu sân bay đắt nhất thế giới của Mỹ liên tục gặp sự cố - 1

Tiêm kích F/A-18 phóng đi từ tàu sân bay USS Gerald R. Ford (Ảnh: Reuters)

Dailymail dẫn một báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc đưa tin, sau nhiều năm thử nghiệm, các vấn đề của tàu USS Gerald R. Ford vẫn "còn tồn tại", ví dụ như nằm ở hệ thống hỗ trợ máy bay cất cánh và hạ cánh trên tàu.

Khác với các tàu sân bay khác, tàu Ford sử dụng hệ thống phóng tối tân điện từ (EMALS) và hệ thống cáp hãm máy bay tiên tiến (AAG). Các tàu sân bay cũ của Mỹ thường dùng hệ thống phóng hơi nước và cáp hãm thủy lực.

Trong bản báo cáo, quan chức tại bộ phận thử nghiệm tác chiến thuộc Lầu Năm Góc Robert Behler nhận định rằng, sự kém tin cậy từ các hệ thống hỗ trợ máy bay, bao gồm EMALS và AAG, có thể "tác động tiêu cực tới năng lực chiến đấu của tàu Ford".

Theo Bloomberg, bản báo cáo rút ra kết luận từ 3.975 lần máy bay phóng và hạ cánh tại tàu Ford thực hiện từ tháng 11/2019 tới tháng 9/2020. Theo kỳ vọng của bên thiết kế và chế tạo, EMALS sẽ có thể hỗ trợ thực hiện 4.166 lần phóng trước khi gặp phải vấn đề.

Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm cho thấy, chỉ trong 181 lần, EMALS trên tàu Ford đã gặp sự cố, điều mà ông Behler nhận định rằng là "quá thấp so với yêu cầu".

Ông Behler cho biết 2 vụ EMALS bị hỏng vào năm 2020 đã buộc tàu phải dừng hoạt động trong 3 ngày và cảnh báo nếu như tàu gặp vấn đề trên biển, việc sửa chữa sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, các thử nghiệm cho thấy hệ thống AAG cũng làm gia tăng những lo ngại về độ tin cậy, khi cứ trung bình 48 lần máy bay hạ cánh sẽ có một lần gặp vấn đề. AAG cũng nhận được đánh giá tương tự như EMALS từ ông Behler.

Hệ thống hỗ trợ cất cánh và hạ cánh trên tàu Ford được xem là đã tiêu tốn của Mỹ 3,5 tỷ USD, đóng góp vào chi phí đắt đỏ 13,5 tỷ USD của chiến hạm này. Đây là tàu sân bay đắt nhất thế giới. Mỹ dự kiến sản xuất 4 chiếc lớp này nhằm thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz.

Tàu Ford được bàn giao cho hải quân Mỹ từ năm 2017, nhưng vẫn không thể sẵn sàng tác chiến khi liên tục gặp sự cố trong những năm qua.

Tàu sân bay này dài 335 mét, có thể chứa 85 chiếc máy bay, chở hơn 4.500 người và có trọng lượng lên đến 90.000 tấn.

Vũ khí phòng thủ trên tàu sân bay hạng Ford sẽ gồm 2 máy phóng với mỗi máy có thể phóng 16 tên lửa ESSM chuyên chống lại các tên lửa chống hạm. Tàu này còn có 4 hệ thống vũ khí Phalanx 20mm.

Siêu tàu sân bay Mỹ phóng máy bay bằng hệ thống điện từ hiện đại