1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sea Hunter tung đòn kép khiến tàu ngầm lộ diện

Không chỉ mang được vũ khí tấn công, robot săn ngầm Sea Hunter có thể phối hợp với P-8 Poseidon hoặc MQ-4C khiến tàu ngầm đối phương hết chỗ sống.

Phối hợp diệt ngầm

Trang Topwar.ru dẫn lời người đứng đầu Hải quân Mỹ, Ray Mabus cho biết lực lượng này quyết định tích hợp thêm tính năng chiến đấu cho robot săn ngầm Sea Hunter. Theo vị lãnh đạo này, Hải quân Mỹ đang nghiên cứu trang bị cho Sea Hunter các loại vũ khí sát thương để mở rộng danh sách nhiệm vụ của nó nhưng vẫn đảm bảo giữ nguyên thiết kế con tàu.

Sau khi tích hợp tính năng chiến đấu, robot này có thể kết hợp với các loại máy bay chống ngầm và trinh sát không người lái như P-8 Poseidon hay MQ-4C để phát hiện và tấn công lực lượng ngầm đối phương.

Hải quân Mỹ thử nghiệm Sea Hunter.
Hải quân Mỹ thử nghiệm Sea Hunter.

Trước khi lãnh đạo Hải quân Mỹ đưa ra tuyên bố này, hồi đầu tháng 1/2017, Cơ quan nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) cũng cho biết, để đối phó với nguy cơ bị tấn công và khiến chiếc Sea Hunter thành sát thủ toàn năng, Hải quân Mỹ sẽ trang bị thêm vũ khí cho chiếc robot này.

Thay đổi này của Mỹ có thể khiến châu Á - Thái Bình Dương thêm nóng bởi theo kế hoạch vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố hồi cuối năm 2016, hải quân nước này quyết định triển khai chiếc Sea Hunter đầu tiên đến Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Carter, Mỹ có kế hoạch triển khai một hạm đội tàu ngầm không người lái tới tuần tra ở Biển Đông với hy vọng có thể tăng cường khả năng giám sát và ngăn chặn những diễn biến bất thường tại những vùng biển này do liên quan đến tranh chấp chủ quyền.

Lầu Năm Góc sẽ triển khai các tàu ngầm không người lái với các kích thước và trọng tải khác nhau, thậm chí có chiếc chỉ nhỏ bằng con búp bê Nga, để chúng có thể hoạt động ở cả những vùng nước nông, nơi tàu ngầm không thể tới, ông Carter cho biết.

Trước kế hoạch của Mỹ, chuyên gia Shawn Brimley thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới nói với tờ Financial Times: "Đối thủ không thể biết hết những khả năng của Mỹ".

"Việc sử dụng những chiếc tàu ngầm không người lái đã mở ra những khả năng hoàn toàn mới. Nó có thể giúp ngăn chặn các hành vi khiêu khích và sự thống trị của bất kỳ đối thủ nào ở Biển Đông", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Thiết kế ban đầu

Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, với nhiệm vụ săn ngầm đối phương, con tàu được trang bị hệ thống mô đun sonar Scalable (MS3) của Raytheon. Hệ thống này được thiết kế có khả năng tìm kiếm, phát hiện, lọc ra mối đe dọa thụ động, định vị trí và theo dõi mục tiêu mà không cần sự điều khiển từ phía con người.

Đặc biệt hơn, MS3 còn có thể phân biệt được chính xác những loại tàu ngầm khác nhau của đối phương. MS3 cho phép tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và tác chiến dưới nước ở cả chế độ hoạt động tìm kiếm chủ động và thụ động, phát hiện ngư lôi và đưa ra cảnh báo cũng như tránh va chạm với các vật thể nhỏ.

Dữ liệu từ sonar đa năng này có thể được truyền về một node trung tâm điều khiển và chỉ huy, cung cấp một cái nhìn chung nhất về một phần trong nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm của nó.

Theo những thông tin được công bố, Sea Hunter có khả năng tàng hình rất cao, giúp tàu hoạt động hiệu quả ở những vùng biển nông, các vùng vịnh hay những vùng có nhiều rặng san hô, thường là nơi trú ẩn lý tưởng cho các tàu ngầm điện-diesel nhỏ.

Phương tiện này có thể trở về cảng sau 60 - 90 ngày hoạt động liên tục trên biển để được tiếp nhiên liệu và sửa chữa những bộ phận cần thiết. Để điều khiển và giám sát được Sea Hunter, một trạm chỉ huy con tàu cho phép người điều hành có thể giám sát tất cả các hoạt động của nó từ nhiều kênh thông tin khác nhau.

Theo thiết kế ban đầu, thợ săn tàu ngầm này không được trang bị vũ khí, nó chỉ được thiết kế cho việc tìm và theo dõi các tàu ngầm tàng hình và loại bỏ chúng như một mối đe dọa. Sea Hunter truyền thông tin qua vệ tinh để đưa ra những cảnh báo tới người chỉ huy và các tàu chiến bạn.

Clip Hải quân Mỹ thử nghiệm Sea Hunter:

Theo Đan Nguyên

Đất Việt