1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Schroeder trở thành chủ tịch công ty khí đốt Nga - Đức

Mặc cho sự phản kháng của các chính khách Đức, cựu thủ tướng Schroeder hôm qua đã chính thức được bầu vào chức chủ tịch Công ty đường ống khí đốt Bắc Âu NEGPC - một liên doanh Nga - Đức có trách nhiệm giám sát đường ống dẫn khí đốt Bắc Âu.

Đường ống này sẽ dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức dưới lòng biển Baltic, bỏ qua các trạm trung chuyển ở Ba Lan, Ukraine và Lithuania.

Hôm qua, các cổ đông của NEGPC, trong đó có công ty nhà nước khí thiên nhiên Nga GAZPROM và các công ty Đức E.ON và BASF, đã nhóm họp tại Moscow để bầu ra hội đồng quản trị và chủ tịch. Ông Schroeder đã nhận được số phiếu tuyệt đối cho chiếc ghế chủ tịch công ty.

Ông Schroeder vốn có quan hệ thân thiết với tổng thống Nga Putin. Trước đó, khi ông vừa rời chức thủ tướng Đức sau thất bại trong cuộc bầu cử 2005, đã có tin đồn ông sẽ được mời làm chủ tịch Công ty đường ống khí đốt này. Ngay sau đó, ông Schroder đã bị công kích ở Đức vì việc "nhận lời mời quá sớm cho thấy có thể đã có xung đột lợi ích khi ông còn làm thủ tướng", theo như các đối thủ ông khi đó.

Tuy nhiên, hôm qua, sau khi việc bầu chọn diễn ra, phía Đức có vẻ thay đổi thái độ. Theo MosNews, ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trả lời tờ báo Đức Handelsblatt đã nói quan điểm của ông rằng Schroeder sẽ có lợi cho nước Đức trong vị trí mới. Ông bác bỏ nhận định rằng sự bổ nhiệm này sẽ mang tới lợi ích chính trị cho công ty NEGPC. Theo ông, các láng giềng phía tây nước Đức đã tỏ ra quan tâm và muốn tham gia dự án. Ông nhấn mạnh: "Đến hôm nay, kế hoạch này hoàn toàn hợp lý".

Tuy nhiên, kế hoạch này đã làm phật ý các nước thành viên mới của EU Latvia, Lithuania và Estonia, những nước từng đưa ra những kế hoạch đường ống của mình gọi là hệ thống Amber. Ba Lan đã gọi đề án Đức - Nga nói trên là một "sự thông đồng".

Ngoại trưởng Đức vì thế đã được hỏi liệu hệ thống đường ống này có mang tới căng thẳng giữa các thành viên mới và cũ của EU. Ông cho biết: "Các thành viên mới vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Một số có đưa ra những nhận định tiêu cực về phía Nga. Nhưng văn kiện cuối cùng của EU nhấn mạnh rằng lợi ích của chính sách đối ngoại và an ninh EU đã yêu cầu phải có đối thoại hiệu quả với các nước sản xuất khí đốt và dầu hỏa".

Theo Trần Đức Thành

Tuổi trẻ/MosNews