1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Sau Nga, Belarus đột xuất thanh sát vũ khí hạt nhân chiến thuật

Minh Phương

(Dân trí) - Belarus đã bắt đầu kiểm tra mức độ sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Nga tuyên bố chuẩn bị tập trận hạt nhân chiến thuật.

Sau Nga, Belarus đột xuất thanh sát vũ khí hạt nhân chiến thuật - 1

Nga đã triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Belta dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin ngày 7/5 cho biết, Tổng thống Alexander Lukashenko đã chỉ đạo thanh sát đột xuất các lực lượng phụ trách vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này.

Theo ông Khrenin, trong quá trình kiểm tra, "toàn bộ quy trình hoạt động từ lập kế hoạch, chuẩn bị và sử dụng các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được kiểm tra".

Hoạt động này bao gồm kiểm tra một đơn vị tên lửa Iskander và một phi đội máy bay Su-25.

Tổng thống Lukashenko tháng trước cho biết, hàng chục vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận cuối năm ngoái giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nga và Belarus coi đây là một biện pháp để răn đe phương Tây.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế nhỏ hơn và sử dụng ở tầm gần, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở tầm xa. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Belarus - một đồng minh của Nga - có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Nga và Belarus nhiều lần cáo buộc phương Tây tìm cách phá hoại nước này, do vậy việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật là cần thiết để răn đe. Mặt khác, chính quyền Tổng thống Lukashenko khẳng định sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Động thái của Belarus diễn ra không lâu sau khi Bộ Quốc phòng Nga ngày 7/5 thông báo, Tổng thống Putin đã lệnh tiến hành một cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật trong tương lai gần.

Moscow giải thích, cuộc tập trận là phản ứng đối với những tuyên bố mang tính "khiêu khích" gần đây của Pháp, Anh và Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tuần này tiếp tục khẳng định lại lập trường rằng Paris không loại trừ kịch bản đưa quân đến Ukraine. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết, London không phản đối Ukraine sử dụng vũ khí do nước này viện trợ để tập kích vào lãnh thổ Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc tập trận sẽ giúp NATO nhận ra những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do những rủi ro chiến lược mà họ tạo ra, đồng thời ngăn chặn họ vừa hỗ trợ Ukraine tấn công Nga vừa bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga.

Phản ứng về kế hoạch tập trận hạt nhân của Nga, Mỹ và NATO cho biết sẽ giám sát chặt mọi động thái của Moscow.

Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah cho rằng động thái của Nga là "nguy hiểm". "Sự răn đe và phòng thủ tập thể của chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ từng tấc lãnh thổ của liên minh", bà nhấn mạnh.

Theo Reuters