1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nga tập trận hạt nhân chiến thuật giữa lúc "nước sôi lửa bỏng"?

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga được cho là muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Ukraine và phương Tây khi tiến hành tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Vì sao Nga tập trận hạt nhân chiến thuật giữa lúc nước sôi lửa bỏng? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Điện Kremlin hôm 6/5 thông báo các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga có liên quan trực tiếp đến tuyên bố của các quan chức và nhà lập pháp Pháp, Anh và Mỹ về việc họ sẵn sàng triển khai lực lượng quân sự ở Ukraine.

"Những hành động khiêu khích này cần có sự quan tâm đặc biệt và các biện pháp đặc biệt", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về mục đích của cuộc tập trận sắp tới.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết, cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sẽ nhằm "duy trì sự sẵn sàng về nhân lực và trang thiết bị của các đơn vị trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược để đáp trả và đảm bảo vô điều kiện sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Nga".

Cuộc tập trận của Nga được tiến hành trong bối cảnh Steadfast Defender, cuộc tập trận quân sự lớn nhất của NATO kể từ những năm 1980, diễn ra trên khắp châu Âu, bao gồm cả khu vực gần biên giới Nga. Cuộc tập trận của Nga cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây, khi các vị trí của Ukraine có nguy cơ sụp đổ trên chiến trường, ngoài ra Kiev cũng như phương Tây ngày càng lo ngại rằng xung đột có thể diễn biến theo hướng không thể kiểm soát đối với quân đội Ukraine.

Không giống như kho vũ khí hạt nhân chiến lược, kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga không bị hạn chế bởi các hiệp ước. Những vũ khí này có thể được bắn từ một loạt hệ thống dùng chung với các loại vũ khí thông thường, bao gồm hệ thống tên lửa Iskander-M, tên lửa hành trình Kalibr và Kh-59, một loạt tên lửa và bom thả từ trên không do lực lượng không quân chiến thuật và chiến lược của Nga mang theo, tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Yasen và một loạt hệ thống pháo thông thường, bao gồm Msta-S, Akatsiya và Giatsint-S, Pion, Malka và Tyulpan.

Đạn hạt nhân chiến thuật cũng có thể được trang bị trên các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Nga, bao gồm A-135 bảo vệ Moscow và được cho là các hệ thống S-300 và S-400 di động.

Tuy vậy, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga cũng bị kiểm soát nghiêm ngặt tương tự kho vũ khí hạt nhân chiến lược của nước này, trong đó Moscow hạn chế nghiêm ngặt các trường hợp đáp trả hành động gây hấn chống lại Nga bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc hành vi gây hấn thông thường nghiêm trọng đến mức nó được coi là đe dọa sự toàn vẹn của nhà nước Nga.

"Các cuộc tập trận sử dụng loại đạn này được tiến hành lần cuối trong thời kỳ Liên Xô. Do vậy, cần phải tiến hành các cuộc tập trận để những người sử dụng chúng biết cách xử lý và vận hành những loại vũ khí này", nhà quan sát quân sự và chuyên gia công nghệ quốc phòng tại Moscow, Alexei Leonkov, nói với Sputnik.

Cuộc tập trận sẽ giúp quân đội Nga tập trung vào nhiệm vụ nâng cấp kho vũ khí chiến thuật và tác chiến - chiến thuật, vì việc lưu trữ lâu dài sẽ làm giảm các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật của chúng.

Nhà quan sát quân sự không cho rằng bất kỳ cuộc tập trận nào sẽ liên quan đến việc sử dụng đạn hạt nhân trực tiếp, do Nga tuân thủ cam kết không tham gia thử nghiệm hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào.

"Nếu chúng ta đang nói về chính sách đối ngoại, (người phát ngôn của Điện Kremlin) Dmitry Peskov nói rằng đây là một tín hiệu nhất định cho các nước phương Tây đang "tham chiến" ở Ukraine, những nước đang có kế hoạch chính thức gửi quân đội tới đó, những nước sẽ cung cấp một số loại vũ khí cho phép Ukraine bắn vào lãnh thổ của chúng ta", ông Leonkov giải thích.

Nói cách khác, cuộc tập trận được tiến hành nhằm gửi đi thông điệp từ Nga rằng Moscow chỉ sẵn sàng chấp nhận ở mức độ "có giới hạn" đối với các hành vi gây hấn, chuyên gia Leonkov nhấn mạnh.

Ông Leonkov tin rằng các cuộc tập trận đã được Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh với tư cách là tổng tư lệnh tối cao.

"Trước đó đã có tuyên bố của ông Putin (vào tháng 3) về việc máy bay F-16 tại các quốc gia NATO tham gia cuộc xung đột trên lãnh thổ Ukraine, và rằng việc ai điều khiển chúng - phi công Ukraine hay không phải Ukraine - không quan trọng, thay vào đó (Nga) sẽ xem xét các sân bay nơi những máy bay này đồn trú và cất cánh để chúng trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng tôi. Nhưng rõ ràng, cảnh báo này của tổng thống Nga đã không được phương Tây lắng nghe", ông Leonkov giải thích.

Liên quan đến thông báo của Bộ Quốc phòng về cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật đã được lên kế hoạch, ông Leonkov cảnh báo rằng việc phương Tây một lần nữa chọn cách phớt lờ những cảnh báo của Nga về vấn đề này và coi chúng là không đáng kể hoặc không đáng chú ý "là một sai lầm nghiêm trọng".

Bộ Ngoại giao Nga mô tả cuộc tập trận tên lửa hạt nhân chiến thuật sắp tới là một nỗ lực của Moscow nhằm "hạ nhiệt những cái đầu nóng" ở các nước phương Tây, khi họ đe dọa triển khai lực lượng ở Ukraine và thực hiện các bước đi khác có nguy cơ leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành một cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và NATO.

"Cuộc tập trận phải được xem xét trong bối cảnh những tuyên bố gây hấn gần đây của các quan chức phương Tây và những hành động gây bất ổn mạnh mẽ được một số nước NATO thực hiện nhằm gây áp lực với Nga bằng vũ lực và tạo thêm mối đe dọa đối với an ninh của đất nước chúng ta liên quan đến cuộc xung đột trong và xung quanh Ukraine", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cuộc tập trận sẽ "giúp (NATO) nhận ra những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra do những rủi ro chiến lược mà họ tạo ra, đồng thời ngăn chặn họ vừa hỗ trợ chính quyền Kiev trong các hành động tấn công vừa bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vũ trang trực tiếp với Nga".

Cùng ngày đưa ra thông báo tập trận, Bộ Ngoại giao nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Nga Nigel Casey để cảnh báo tác động từ những bình luận của Ngoại trưởng Anh David Cameron trong chuyến thăm Kiev ngày 2/5 về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Anh để thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Nga nhấn mạnh rằng những bình luận này báo hiệu việc London thừa nhận vai trò của mình là một bên trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine và Moscow sẽ phản ứng phù hợp với điều đó.

"Đây là tín hiệu cho các nhà lãnh đạo phương Tây thấy rằng họ (Nga) rất nghiêm túc", Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Earl Rasmussen nói với Sputnik, bình luận về hàng loạt tuyên bố của quân đội Nga, Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga về kế hoạch của lực lượng tên lửa Nga tổ chức cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật.

"Nếu các nhà lãnh đạo phương Tây leo thang vấn đề này hơn nữa bằng sự can dự trực tiếp, Nga sẽ trực tiếp đối đầu với họ, họ sẽ tấn công lực lượng phương Tây và có khả năng bảo vệ ý chí của nhà nước Nga, từ đó có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Điều này sẽ khiến tình hình leo thang và cuối cùng dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực", chuyên gia Rasmussen cảnh báo.

"Tôi không tin rằng Nga muốn làm điều này. Tôi tin rằng họ đang cố gắng gửi tín hiệu cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây đừng leo thang hơn nữa", nhà bình luận các vấn đề quân sự và quốc tế từng làm việc trong quân đội Mỹ 20 năm cho biết thêm.

Theo Sputnik, Newsweek