Sạt lở đất chôn vùi hơn 2.000 người ở Papua New Guinea
(Dân trí) - Hơn 2.000 người bị chôn vùi trong vụ sạt lở đất ở Papua New Guinea hồi tuần trước. Cơ hội sống sót của những người này rất thấp do công tác tìm kiếm, cứu hộ gặp trở ngại bởi địa hình nguy hiểm.
Trong thư gửi Liên hợp quốc ngày 26/5, Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea cho biết, số người bị chôn vùi trong vụ lở đất ở Kaokalam, tỉnh Enga của nước này là hơn 2.000 người.
"Vụ lở đất đã chôn sống hơn 2.000 người, tàn phá nghiêm trọng các tòa nhà, vườn cây lương thực và gây tác động lớn đến huyết mạch kinh tế của đất nước", bức thư viết.
Cơ quan này cho biết thêm, cơ hội tìm thấy người sống sót rất thấp vì địa hình nguy hiểm nguy hiểm và khó khăn trong việc chuyển viện trợ đến nơi bị ảnh hưởng.
Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea nói rằng: "Tình hình vẫn không ổn định khi lở đất tiếp tục diễn biến chậm, gây nguy hiểm liên tục cho cả đội cứu hộ cũng như những người sống sót".
Các video trên mạng xã hội do dân làng và các nhóm truyền thông địa phương đăng tải cho thấy người dân đang trèo đá, đào bằng xẻng, gậy và tay không để tìm người sống sót. Đến nay, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy 6 thi thể.
Trước đó, Serhan Aktoprak, người đứng đầu phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên hợp quốc tại đảo quốc này, cho biết 670 người có thể đã thiệt mạng dựa trên tính toán của giới chức địa phương rằng hơn 150 ngôi nhà đã bị chôn vùi trong vụ lở đất.
Liên hợp quốc cho rằng, dữ liệu về số người thiệt mạng có thể còn thay đổi trong những ngày tới.
Theo Reuters, rất khó để ước tính chính xác dân số địa phương vì cuộc điều tra dân số đáng tin cậy gần đây nhất của Papua New Guinea là vào năm 2000, hơn nữa nhiều người sống ở các ngôi làng miền núi xa xôi, hẻo lánh.
Làng Kaokalam nằm ở tỉnh Enga, cách thủ đô khoảng 600km về phía bắc. Vụ sạt lở đất xảy ra khoảng 3h sáng 24/5.