1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sách trắng Quốc phòng Australia: Dịu giọng với Trung Quốc

(Dân trí) - Trong sách trắng quốc phòng 2012, chính phủ của Thủ tướng Australia Gillard đã “xuống giọng” rất nhiều trước sức mạnh quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc - động thái được xem là nhằm củng cố mối quan hệ với đối tác thương mại chính và siêu cường mới nổi Trung Quốc.

Nữ Thủ tướng Australia Gillard trong buổi công bố Sách trắng Quốc phòng 2013.
 
Nữ Thủ tướng Australia Gillard trong buổi công bố Sách trắng Quốc phòng 2013. 

 

Trong Sách trắng Quốc phòng 2013, được công bố ngày hôm qua 3/5, Australia đã phác họa một kế hoạch đầy tham vọng, đó là xây dựng 12 tàu ngầm mới, và những tàu ngầm này hoặc là thiết kế hoàn toàn mới hoặc là nâng câp từ tàu ngầm lớp Collins vốn đang gặp nhiều sự cố của nước này.

 

Chương trình tàu ngầm, dự kiến sẽ là chương trình lớn nhất của chính phủ Australia, trị giá tới hàng chục tỷ USD, cũng là nhằm thúc đẩy ngành đóng tàu của hải quân Australia. Theo Sách trắng Quốc phòng Australia, ước tính chi tiêu quân sự cho 4 năm tới sẽ vào khoảng hơn 100 tỷ USD. Và nếu kinh tế cho phép, chi tiêu sẽ chiếm 2% GDP, thay vì 1,6% như hiện nay.

 

Điều đáng chú ý là, Sách trắng, do Thủ tướng Julia Gillard công bố, đã xóa sạch những ngôn từ khiêu khích trong sách trắng năm 2009 về mối đe dọa do sự lớn mạnh của Trung Quốc có thể gây ra đối với cán cân chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

 

Tuy nhiên, bà Gillard phủ nhận chính phủ của bà đang cố gắng xoa dịu Trung Quốc. Bà khẳng định có “sự tiếp nối” trong cách tiếp cận của Australia đối với đối tác thương mại hai chiều lớn nhất của Australia.

 

Trong Sách trắng năm 2009, Australia đã kêu gọi Trung Quốc giải thích rõ hơn với các nước láng giềng, vì sao họ lại không ngừng mở rộng sức mạnh quân sự. Trong khi đó, Sách trắng mới nêu rõ chính sách của Australia là nhằm “khuyến khích sự phát triển hòa bình của Trung Quốc”.

 

Trong khi giới chuyên gia quân sự hôm qua phần lớn ca ngợi Sách trắng mới là kế hoạch thực tế và tinh tế cho quốc phòng Australia, song vẫn có một số cho rằng nó không thừa nhận đúng tính chất biến động ngày càng lớn ở khu vực khi các quốc gia châu Á bị cuốn vào cái gọi là chạy đua vũ trang.

 

Giám đốc An ninh quốc tế tại Viện Lowy, Rory Medcalf, cho rằng môi trường chiến lược ở châu Á kể từ năm 2009, đã trở nên tồi tệ hơn, chứ không phải tốt hơn.

 

“Qua các biện pháp khách quan nhất, môi trường chiến lược của châu Á đã trở nên nguy hiểm hơn và bất ổn hơn kể từ năm 2009. Và tôi cho rằng nguy cơ cùng bất ổn lớn hơn này lại không được thể hiện rõ trong sách trắng như thời ông Kevin Rudd năm 2009”, ông Medcalf nhận xét. “Tôi cho rằng lẽ ra sách trắng phải nói rõ hơn về những nguy cơ đối với Australia…nếu một số những điểm nóng này bùng cháy”.

 

Sách trắng quốc phòng Australia đã đề cập đến những điểm nóng nổi lên ở trong tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở Hoa Đông và Biển Đông.

 

Nhà phân tích chiến lược Paul Dibb thuộc Đại học quốc gia Australia cho rằng sách trắng đã không “xúc phạm Trung Quốc” và công nhận tầm quan trọng của Indoneisa và Ấn Độ trong khu vực.

 

Sau nhiều tuần đồn đoán cắt giảm chi tiêu, Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith đã hé lộ chính phủ Australia sẽ tăng ở mức khiêm tốn ngân sách dành cho quốc phòng. Khoản ngân sách này sẽ trang trải cho dự án mua 12 chiếc chiến đấu cơ Super Hornet, trị giá 1,5 tỷ USD. Sách trắng cũng cam kết mua khoảng 75 chiến đấu cơ Joint Strike.

 

Quan điểm về các điểm nóng trong Sách trắng Quốc phòng Australia 2013

 

Ấn Độ-Thái Bình Dương: Nằm trong lợi ích của Australia, và không một sức mạnh thù địch nào ở Ấn Độ-Thái Bình Dương có thể áp đặt hoặc hăm dọa nước khác bằng vũ lực hay đe dọa vũ lực.

 

Trung Quốc: Australia hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tiếp tục tăng kỷ lục qua mỗi năm, tăng 140% kể từ năm 2000.

 

Nhật: Quan ngại của Nhật về tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã tăng lên.

 

Nam Thái Bình Dương: Australia có kế hoạch đóng vai trò trung tâm ở Nam Thái Bình Dương

 

Mỹ: Mỹ sẽ tiếp tục là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới.

 

Mỹ-Trung: Mối quan hệ giữa hai nhà nước mạnh nhất toàn cầu sẽ là nhân tố lớn hơn bất kỳ nhân tố nào để quyết định môi trường chiến lược của Australia. Một số lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, song cả hai đang tìm kiếm ổn định và thịnh vượng, chứ không phải xung đột. Chính phủ Australia không tin Australia phải chọn giữa đồng minh lâu năm Mỹ với mối quan hệ ngày càng mở rộng với Trung Quốc.

 

Kinh tế toàn cầu: Tác động đa chiều của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nặng nề hơn rất nhiều đối với các nền kinh tế phương Tây. Các chính phủ phương Tây đang giảm chi tiêu quân sự.

 

Triều Tiên: Vẫn theo đuổi chương trình hạt nhân, được xem là công cụ mặc cả quan trọng và là một lá chắn tấn công.

 

Iran: Bất chấp trừng phạt mạnh, Iran đang tiến gần hơn tới khả năng vũ khí hạt nhân

 

Châu Phi: Nhiều vùng của lục địa vẫn chìm trong bất ổn và bạo lực

 

Ấn Độ-Pakistan: Một cuộc xung đột trên diện rộng không thể bị loại trừ giữa hai nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân này

 

Ấn Độ Dương: 2/3 lượng trung chuyển dầu lửa toàn cầu giờ đây đi qua Ấn Độ Dương.

 

Phan Anh
Theo SMH