1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rủi ro chiến lược với Campuchia sau dấu hiệu bất thường tại căn cứ hải quân

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Campuchia gấp rút xây dựng 2 tòa nhà tại căn cứ hải quân đã làm dấy lên nhiều lo ngại về mối quan hệ của nước này với Mỹ và Trung Quốc.

Rủi ro chiến lược với Campuchia sau dấu hiệu bất thường tại căn cứ hải quân - 1

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia (Ảnh: Reuters).

Theo báo cáo do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Mỹ công bố ngày 21/5 và cập nhật ngày 28/5, 2 tòa nhà mới đã được gấp rút xây dựng tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia, chỉ vài ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có chuyến thăm tới quốc gia Đông Nam Á.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc giải phóng mặt bằng bắt đầu được thực hiện sau ngày 17/4, việc xây dựng bắt đầu vào đầu tháng 5 và các tòa nhà mới được hoàn thành trước ngày 21/5. Khu vực nâng cấp bao gồm một cảng mới được nạo vét và một cơ sở sửa chữa tàu.

Theo AMTI, 2 tòa nhà mới được Campuchia xây dựng ngay phía bắc của khu vực có các cơ sở do Mỹ tài trợ và bị chính phủ Campuchia phá bỏ năm ngoái.

Thứ trưởng Sherman dự kiến sẽ đến thăm Phnom Penh và gặp Thủ tướng Hun Sen trong chuyến công du kéo dài 11 ngày tới Brussels, Ankara, Jakarta, Bangkok và Honolulu. Theo AMTI, những lo ngại liên quan đến hoạt động xây dựng tại căn cứ Ream "nhiều khả năng" sẽ được đề cập trong chuyến thăm của quan chức Mỹ tới Campuchia.

Năm ngoái, những hình ảnh vệ tinh cho thấy một cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream đã bị phá bỏ, khiến nhiều người - đặc biệt ở Washington - lo ngại rằng Phnom Penh có thể sẽ cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận địa điểm này.

Những lo ngại như vậy bắt đầu dấy lên kể từ khi xuất hiện một báo cáo vào năm ngoái, trong đó nói rằng Trung Quốc và Campuchia đã ký một "thỏa thuận bí mật" cho phép Bắc Kinh đóng quân, cất giữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại căn cứ hải quân Ream. Giới chức Mỹ từng tiếp cận bản thảo sơ bộ của thỏa thuận trên cho biết, thỏa thuận cho phép binh lính, vũ khí và tàu Trung Quốc sử dụng căn cứ tại Campuchia trong 30 năm và tự động gia hạn 10 năm một lần.

Những lo lắng này vẫn tồn tại mặc dù các quan chức Campuchia đã nhiều lần khẳng định việc phá dỡ cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream không liên quan đến bất kỳ kế hoạch xây dựng nào của Trung Quốc. Thay vào đó, các quan chức Campuchia nói rằng cơ sở do Mỹ tài trợ sẽ được di dời đến một địa điểm khác phù hợp hơn để có thêm không gian cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng.

Rủi ro chiến lược với Campuchia?

Rủi ro chiến lược với Campuchia sau dấu hiệu bất thường tại căn cứ hải quân - 2

Ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở do Mỹ tài trợ tại căn cứ hải quân Ream vẫn tồn tại vào ngày 1/10/2020 nhưng đã bị tháo dỡ hoàn toàn vào ngày 4/11/2020 (Ảnh: AMTI/Maxar).

Bunna Vann, nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, cho biết việc xây dựng các tòa nhà mới dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc "ở cùng một khu vực - nơi từng đặt các cơ sở do Mỹ xây dựng nhưng đã bị phá bỏ - cho thấy Trung Quốc có thể là động lực lớn để Campuchia dỡ bỏ các tòa nhà do Mỹ tài trợ".

Sovinda Po, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia và là nghiên cứu sinh tại Đại học Griffith của Australia, cho biết thời điểm hoàn thành dự án cho thấy Phnom Penh đang dùng "quân bài Trung Quốc với Mỹ".

"Mục đích chính là đạt được nhiều đòn bẩy hơn trong đàm phán với Mỹ", chuyên gia Po dự đoán.

Chuyên gia Vann rằng sự thiếu minh bạch về việc xây dựng nhanh chóng 2 tòa nhà tại căn cứ hải quân Ream là "rủi ro chiến lược" đối với Campuchia. Theo chuyên gia này, việc một quốc gia cho phép quốc gia khác hỗ trợ xây dựng căn cứ quân sự hoặc các công trình là điều bất thường.

"Trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ đưa Campuchia vào chiến trường của cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung", chuyên gia Vann cảnh báo.

Theo ông Po, một trong những vấn đề dự kiến sẽ xuất hiện trong cuộc hội đàm giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman và quan chức địa phương Campuchia sắp tới là sự hiện diện của Trung Quốc ở Campuchia.

"Về vấn đề Trung Quốc, Phnom Penh có khả năng sẽ bảo vệ lập trường của mình rằng Campuchia không phải là một quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc", ông Po nhận định, đồng thời cho biết các quan chức Campuchia sẽ nhấn mạnh chính sách đối ngoại độc lập và hiến pháp của nước này, vốn không cho phép Campuchia trở thành một quốc gia phụ thuộc.

Chuyên gia Po cho biết Campuchia đã nhiều lần bị coi là xích lại gần Trung Quốc mà không xem xét đến mối quan ngại của Washington, điều này "khiến Mỹ cảm thấy không thoải mái".

Năm 2019, Lầu Năm Góc từng đề nghị Campuchia nêu lý do từ chối đề nghị của Washington về việc hỗ trợ sửa chữa căn cứ Ream, dù trước đó Campuchia đã đề nghị Mỹ giúp đỡ. Washington cho rằng quyết định của Campuchia có thể liên quan tới kế hoạch cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới đây.

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về tương lai châu Á hồi đầu tháng, Thủ tướng Hun Sen đã đặt câu hỏi rằng liệu Campuchia có thể dựa vào ai nếu không quay sang Trung Quốc?

Bộ Thương mại Campuchia tuần trước xác nhận kim ngạch thương mại Trung Quốc - Campuchia đạt 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc đạt 424 triệu USD từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, tăng 42%.

Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu cho Campuchia, giúp đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng tại quốc gia Đông Nam Á. Khi đại dịch Covid-19 càn quét, Trung Quốc cũng viện trợ vắc xin cho Campuchia.

Tuy vậy, Thủ tướng Hun Sen nhiều lần bác tin Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng một cảng của nước này cho mục đích quân sự, cũng như triển khai khí tài quân sự trên lãnh thổ Campuchia. Ông nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng được hoan nghênh gửi tàu đến Campuchia nhằm mục đích viện trợ phát triển.

Theo chuyên gia Po, chuyến thăm của Thứ trưởng Sherman sẽ tạo cơ hội để Mỹ và Campuchia hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, ông Po cũng nói rằng "không có dấu hiệu nào cho thấy chuyến thăm cấp thấp này có thể giải quyết các vấn đề của Mỹ và Campuchia" hiện nay.