Rò rỉ "tài liệu Vũ Hán" chưa từng công bố về đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Tài liệu mật vừa rò rỉ cho thấy những góc khuất về cách ứng phó dịch Covid-19 giai đoạn đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc - tâm dịch đầu tiên trên thế giới.
Những con số bị giấu kín
CNN đưa tin, trong một báo cáo đề "tài liệu nội bộ cần giữ bí mật", giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, liệt kê 5.918 ca mắc Covid-19 mới (phân thành 3 loại: ca xác định qua xét nghiệm, ca xác định qua chẩn đoán lâm sàng và ca nghi nhiễm) ngày 10/2, gấp hơn 2 lần so với số liệu báo cáo. Con số này chưa từng được tiết lộ đầy đủ vào thời điểm đó. Con số chưa từng được tiết lộ này chỉ là một phần thông tin trong 117 trang tài liệu mật của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tỉnh Hồ Bắc vừa bị rò rỉ.
Đến nay, Trung Quốc vẫn bác bỏ cáo buộc của Mỹ và các nước phương Tây khác cho rằng Bắc Kinh cố tình che giấu mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở giai đoạn đầu bùng phát.
Tài liệu từ tháng 10/2019 đến tháng 4 năm nay này cho thấy giới chức địa phương ở Hồ Bắc - tâm dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới - chậm trễ trong việc xác định bệnh nhân Covid-19 do cơ chế xét nghiệm và công bố thông tin chưa hiệu quả. Một báo cáo vào đầu tháng 3 cho thấy, thời gian trung bình để giới chức y tế ở đây xác định một ca mắc Covid-19 kể từ khi người bệnh có các triệu chứng là 23,3 ngày. Giới chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian quá dài này đã gây trở ngại đáng kể cho công tác theo dõi và đối phó với đại dịch.
Ngoài ra, các bộ xét nghiệm Covid-19 ở giai đoạn đầu cũng không hiệu quả, nhiều xét nghiệm cho kết quả âm tính giả. "Các xét nghiệm hồi cứu trên các mẫu ban đầu phát hiện ra rằng các mẫu âm tính do sử dụng bộ xét nghiệm SARS hầu hết đều dương tính với virus corona mới. Các công ty tư nhân ký hợp đồng với CDC đã sử dụng các chất ức chế lẫn nhau khi xét nghiệm dẫn đến kết quả âm tính giả", tài liệu cho biết.
Dịch chồng dịch
Ngày 1/12 đánh dấu tròn một năm kể từ khi xuất hiện thông tin về bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán có các triệu chứng Covid-19. Theo tài liệu rò rỉ, cùng thời điểm đó, Hồ Bắc cũng đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng y tế khác là dịch cúm với số ca bệnh tăng 20 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Điều này gây thêm sức ép với hệ thống y tế đã căng tải của địa phương. Dịch cúm không chỉ xuất hiện ở Vũ Hán, mà cũng đáng lo ngại ở các địa phương khác như Nghi Xương, Hàm Ninh. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tác động của dịch cúm đến đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Tài liệu trên bị rò rỉ trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới về nguồn gốc của Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 60 triệu người mắc bệnh, lấy đi sinh mạng của gần 1,5 triệu người trên thế giới.
Đến nay, mức độ tiếp cận của các chuyên gia quốc tế với các dữ liệu y tế và dữ liệu thô ở tâm dịch Hồ Bắc vẫn còn khá hạn chế. WHO tuần trước cho biết, giới chức Trung Quốc đã cam kết cho phép các điều tra viên tiếp cận thực địa tâm dịch.
"Tài liệu Vũ Hán" được những người làm việc trong ngành y tế của Trung Quốc tiết lộ. Tài liệu đã được 6 chuyên gia độc lập thẩm định nội dung. Một trong số các chuyên gia này có quan hệ thân cận với chính phủ Trung Quốc. Người này nói rằng đã nhìn thấy một vài trong số các báo cáo này trong quá trình nghiên cứu bí mật hồi đầu năm nay. Một quan chức an ninh châu Âu nắm được nhiều tài liệu nội bộ của Trung Quốc cũng xác nhận tính xác thực của tài liệu trên.
Bất chấp những cáo buộc của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn luôn lên tiếng bảo vệ cách ứng phó đại dịch. Trong một cuộc họp báo hôm 7/7, Hội đồng quốc gia Trung Quốc đã công bố Sách trắng nói rằng chính phủ Trung Quốc luôn công bố thông tin liên quan đến đại dịch "một cách kịp thời và minh bạch".