1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quyền lực dầu đá phiến Mỹ: Tính toán dài lâu của Washington

Không ai ngờ thị trường dầu có thể sụt giảm mạnh như hiện nay. Mỹ vẫn hỗ trợ hoạt động khai thác dầu vì những tính toán lâu dài về lợi ích.

Sản lượng cao kỷ lục mặc giá dầu suy giảm

Bất chấp giá dầu thế giới xuống thấp làm doanh thu của ngành công nghiệp dầu mỏ nước Mỹ sụt giảm mạnh, Mỹ vẫn vượt mặt Arập Xêút và Nga trở thành nước sản xuất dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Sản lượng dầu của Mỹ đang ở mức gần cao nhất trong nhiều thập kỷ (9,6 triệu thùng/ngày).

Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ “lật ngược thế cờ”.
Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ “lật ngược thế cờ”.

Theo số liệu ngày 30/6 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ trong tháng 4/2015 đã tăng sản lượng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1971. Các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ và một số công ty tuyên bố họ có thể tiếp tục tăng sản lượng kể cả khi giá thấp hơn 45% so với mức đỉnh hồi năm ngoái.

Lý giải động thái này của Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này xuất phát từ quan niệm của Mỹ đối với dầu hoả. Theo đó, Mỹ coi dầu hoả là một sản phẩm chiến lược, trong bất cứ hoàn cảnh nào, vấn đề sản xuất dầu, đặc biệt là dầu đá phiến vẫn được xem là công cụ chiến lược của Washington.

"Đến lúc này, nguồn cung dầu rất dồi dào, các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ rất khó khăn, đã có công ty bị lỗ, phá sản vì giá dầu giảm sâu, có lúc xuống thấp hơn chi phí khai thác.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn hỗ trợ các công ty này vì họ cho rằng giá dầu giảm chỉ là tạm thời trong giai đoạn này và trong tương lai, lượng dự trữ dầu của thế giới càng vơi đi, dầu hoả ngày càng trở nên khan hiếm.

Mỹ có lượng dự trữ dầu rất lớn và chính phủ mua dầu cho kho dự trữ để bất cứ khi nào thị trường Mỹ khan hiếm họ sẽ tung hàng dự trữ ra. Bởi vậy, mặc dầu bị lỗ nhưng các công ty sản xuất dầu của Mỹ vẫn có đầu ra".

Chính cuộc cách mạng dầu đá phiến đã đem lại vị trí cho nước Mỹ trên thị trường dầu thế giới hiện nay, ông Hiếu cho biết. Dù không thể bằng các mỏ dầu tự nhiên nhưng dầu đá phiến vẫn là nguồn dự trữ rất lớn.

Theo EIA, trữ lượng dầu đá phiến toàn thế giới là 345 tỷ thùng, trong đó Nga là nước đứng đầu với trữ lượng 75 tỷ thùng, Mỹ đứng thứ hai với 58 tỷ thùng. Trữ lượng khí đá phiến toàn thế giới là 206.000 tỷ mét khối, trong đó Mỹ chiếm 19.000 tỷ mét khối.

Từ năm 2007-2014, sản lượng khí đá phiến của Mỹ tăng trung bình 50% mỗi năm, tương đương mức tăng từ 5% lên 36% trong tổng thị phần khí đốt. Viện Nghiên cứu McKinsey dự báo ngành công nghiệp khí đá phiến sẽ giúp GDP của Mỹ tăng bình quân 4% hàng năm, tức vào khoảng 690 tỷ USD.

"Công nghệ khai thác dầu đá phiến còn rất mới, mới được khoảng 20 năm trở lại đây trong khi khai thác từ các mỏ dầu tự nhiên đã cả trăm năm nay. Mỹ nhận thấy đây là nguồn dự trữ dầu rất lớn nếu khai thác có hiệu qủa. Đây là một lợi thế về mặt chiến lược rất lớn của Mỹ", ông Hiếu đánh giá.

Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng, khi Mỹ bắt đầu sản xuất dầu đá phiến không ai ngờ thị trường dầu có thể sụt giảm một cách mạnh mẽ như hiện nay, điều này nằm ngoài dự báo của các chuyên gia dầu khí của Mỹ.

Nhưng ngay cả trong thời điểm hiện tại, có những doanh nghiệp bị lỗ và sản xuất dầu đá phiến không phải là lĩnh vực sản xuất kinh doanh mang lại lợi nhuận tốt thì người Mỹ duy trì sản lượng khai thác bởi những tính toán lâu dài về mặt lợi ích.

"Họ biết rằng nguồn dự trữ dầu hoả đang ngày càng giảm đi. Lúc này giá dầu xuống là vì ngành kinh tế của thế giới tăng trưởng chậm kéo theo nhu cầu về dầu thấp hơn mức cung.

Thế nhưng như thế không có nghĩa nhu cầu về dầu sẽ giảm đi. Về lâu dài, nhu cầu dầu của thế giới ngày càng lớn, số lượng các máy móc sử dụng dầu, lượng ô tô trên thế giới ngày càng tăng... trong khi nguồn cung dầu thì ngày càng vơi đi.

Bởi thế, dù những biến động thị trường đang khiến nhiều công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ bị lỗ, thậm chí có doanh nghiệp phá sản, nhưng chắc chắn trong tương lai những công ty này sẽ có lợi", ông Hiếu phân tích.
Nắm quyền chi phối giá dầu

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, những đột phá trong công nghệ khai thác dầu đá phiến đã giúp Mỹ giành lại quyền chi phối giá dầu từ Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Chưa kể, từ một nước phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu, đến nay Mỹ đã tự chủ được năng lượng.

"Dù Mỹ không nằm trong khối OPEC nhưng với vị trí hiện tại, vai trò của Mỹ trong việc định giá dầu, điều hoà cung-cầu trên thế giới ngày càng mạnh.

Người Mỹ quan niệm rằng dầu là "vàng đen", nó có vai trò quyết định trong kinh tế  thế giới. Mỹ đang đứngg hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu hoả vì thế mạnh của họ là lượng dầu tại các kho dự trữ quốc gia rất lớn, họ có thể dùng lượng dự trữ đó điều chỉnh thị trường theo ý muốn của mình. Đó là thế mạnh của Mỹ", ông chỉ rõ.

Cũng theo ông Hiếu, Mỹ có rất nhiều giàn khoan dầu và hệ thống khai thác dầu cả trăm năm nay. Trên lãnh thổ của Mỹ, các giếng dầu và lượng dữ trữ dầu rất dồi dào.

"Tôi làm việc cho một ngân hàng của Mỹ và ngân hàng đó chuyên về khai thác dầu hoả tại Mỹ và Canada. Tôi biết rằng lượng dự trữ dầu hoả của Mỹ rất lớn, giờ lại thêm khai thác dầu đá phiến làm tăng nguồn dự trữ dầu của nước này.

Điều đó giúp Mỹ ngày càng thống lĩnh thị trường và thực tế, đến thời điểm hiện tại họ đang đứng ở vị trí số 1 trong sản xuất dầu thế giới".

 
Theo Thành Luân
Đất Việt