1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS 1982

Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) GS. Stanislaw Michal Pawlak đã dành một phần quan trọng trong bài diễn văn của mình tại Phiên đặc biệt kỷ niệm 25 Năm Hiến chương của Đại dương để khẳng định những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là đi ngược lại với UNCLOS 1982.

Quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS 1982 - 1

Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak trình bày diễn văn tại Phiên đặc biệt. (Ảnh: SCSC11)

Phiên đặc biệt này diễn ra trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11  với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại khu vực” từ ngày 6-7/11 tại Hà Nội. UNCLOS là văn kiện pháp lý quan trọng đóng vai trò là nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ trên Biển trong suốt một phần tư thế kỷ. UNCLOS 1982 có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.

Trong diễn văn tại phiên họp, Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak nhấn mạnh: “UNCLOS là công ước đã tạo ra hệ thống pháp luật toàn diện, góp phần vào việc định hình trật tự tại các đại dương và biển trên thế giới, thiết lập các nguyên tắc điều chỉnh về việc sử dụng tài nguyên biển và đại dương. HIện nay, Công ước này đã được công nhận trên toàn thế giới và giải quyết tất cả các vấn đề quan trọng liên quan tới luật Biển. Trong vòng ¼ thế kỷ qua, Công ước đã đóng góp nhiều vào việc góp phần đảm bảo hòa bình, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới”.

Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak đã nhắc lại một số nội dung chính của Công ước đối với các vùng biển như lãnh hải, đặc quyền kinh tế. Đặc biệt, Thẩm phán nhấn mạnh tới cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước. Theo Công ước, các quốc gia thành viên sẽ giải quyết bất cứ tranh chấp nào giữa các bên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước thông qua các biện pháp hòa bình theo điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc. Một tòa có thẩm quyền theo Công ước có thể áp dụng quy định của Công ước và quy định khác của cộng đồng quốc tế mà không trái với Công ước.

“Thông thường, theo Công ước và theo luật quốc tế, các quốc gia không thể buộc phải giải quyết tranh chấp nếu không có sự đồng ý của họ. Tuy nhiên, UNCLOS 1982 là một Công ước đặc biệt vì chứa đựng những điều khoản quy định các quy chế giải quyết tranh chấp bắt buộc và có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước trong phần 15 mục 2 của Công ước. Việc chấp nhận các điều khoản của Công ước này thì các quốc gia đồng ý bị ràng buộc bởi các thủ tục khi trở thành thành viên của Công ước, các thủ tục này được tiến hành mà không cần sự tham gia của một bên tranh chấp. Phụ lục 7 điều 3 của Công ước quy định, nếu một bên không chỉ định trọng tài thì trọng tài sẽ được chỉ định bởi chủ tịch Tòa luật Biển quốc tế”, Thẩm phán nói.

Theo GS. Stanislaw Michal Pawlak, trong thời gian qua, ITLOS đã xây dựng được uy tín và danh tiếng, chứng minh là một cơ quan tài phán hoạt động hiệu quả. Việc quyết tranh chấp theo Công ước cũng như xây dựng nhiều thông lệ trong công pháp quốc tế, Tòa đã củng cố quan điểm và thực hiện vai trò, góp phần vào việc thúc đẩy thượng tôn pháp luật trên biển cũng như duy trì hòa bình công lý và tiến bộ trong quan hệ quốc tế.

Thẩm phán Stanislaw Michal Pawlak cho biết, ITLOS đã kết luận rằng, yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với tài nguyên tại Biển Đông không phù hợp với những quyền cụ thể và các vùng biển quy định trong Công ước. Các yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với quy định của Công ước và không có hiệu lực pháp lý vì Trung Quốc đã mở rộng quá lớn về giới hạn địa lý và các quyền trên vùng biển của mình.

Sau Diễn văn, các nhân chứng lịch sử của UNCLOS 1982 đã điểm lại quá trình đàm phán và các thỏa thuận trong UNCLOS, đánh giá tính hiệu quả của UNCLOS, tập trung trả lời câu hỏi liệu UNCLOS có còn phù hợp với thực trạng tranh chấp biển hiện nay và liệu có nên đàm phán một phần hoặc toàn bộ Công ước để thích ứng với cục diện chiến lược mới trên biển hay không.

Theo Phạm Anh

Thế giới & Việt Nam