Quốc tế ngày càng lo ngại Trung Quốc sẽ lập ADIZ trên Biển Đông
(Dân trí) - Các chuyên gia an ninh quốc tế đang bày tỏ quan ngại Trung Quốc sẽ sớm lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, sau khi hoàn tất các hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo phi pháp.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã đẩy mạnh hoạt động bồi lấn và xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực, giới chức Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban các lực lượng vũ trang Thượng viện Mỹ, nhận định việc xây đảo nhân tạo mới chỉ là bước đi đầu tiên. Tiếp theo, Trung Quốc sẽ quân sự hóa các bãi đá này, và tuyên bố lập ADIZ để thúc đẩy hơn nữa các tuyên bố chủ quyền của mình.
“Họ đang xây đường băng, và sẽ đưa vũ khí tới đó. Điều tiếp theo bạn sẽ thấy người Trung Quốc làm đó là khi một máy bay Mỹ bay ngang qua, cho dù là máy bay thương mại hay gì đi nữa, họ sẽ yêu cầu “khai báo danh tính” - đồng nghĩa với lập một Vùng nhận dạng phòng không, có nghĩa là chủ quyền lãnh thổ của họ”, ông McCain phát biểu tại Viện Hudson, tại Washington.
ADIZ là không phận bên trên một vùng đất hay vùng biển nơi một quốc gia thiết lập một khu vực yêu cầu các máy bay đang hướng tới đó phải khai báo danh tính, và quốc gia này sẽ có quyền kiểm soát lộ trình bay đối với máy bay đó vì lợi ích an ninh quốc gia. Một khu vực như vậy có thể mở rộng ra bên ngoài không phận quốc gia để giúp họ có thêm thời gian phản ứng trước các máy bay bị nghi là thù địch.
Hàn Quốc và Nhật đã lập các ADIZ nằm xa bên ngoài không phận chủ quyền của mình, và chồng lấn với nhau. Trung Quốc cũng đã lập ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013.
Theo giám đốc điều hành Peter Jennings tại Viện chính sách chiến lược Úc thì tin rằng, Trung Quốc sẽ làm điều tương tự tại Biển Đông, mặc dù nước này có thể trì hoãn cho đến sau chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình trong tháng 9 tới.
“Sau thời gian đó, và trong lúc Mỹ bận rộn với chiến dịch tranh cử tổng thống, tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ đi bước tiếp theo, nhằm củng cố quyền kiểm soát trong khu vực”, Jennings phát biểu trong hội thảo của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS).
Rất nhiều học giả khác có chung mối lo ngại như ông McCain và Peter Jennings.
Theo VOA, trong một buổi thảo luận mới đây về vai trò của Mỹ với an ninh trên Biển Đông tại một tiểu ban của Hạ viện Mỹ, giáo sư Andrew Erickson đến từ đại học chiến tranh hải quân cho biết ông tin Trung Quốc sẽ lập ADIZ trên Biển Đông trong vòng 2 năm nữa.
Các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông có một đường băng dài 3000m trên bãi đá Chữ Thập, mới được bồi đắp trái phép. Sẽ là hợp lý nhất khi dùng đường băng này để hỗ trợ cho ADIZ của Trung Quốc trong tương lai gần, ông Erickson khẳng định.
Washington từng tuyên bố việc đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông sẽ cản trợ tự do đi lại, và cảnh báo Bắc Kinh không đưa ra tuyên bố này. Trước đó, Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc lập ADIZ trên biển Hoa Đông, và từ chối công nhận bằng cách điều các máy bay quân sự bay qua khu vực này.
Cho dù không có quy định nào cấm Trung Quốc lập ADIZ, ông Erickson cho rằng điều quan trọng đó là nước này sẽ quản lý ADIZ đó như thế nào.
“Tất cả nằm ở cách họ triển khai ADIZ ở Hoa Đông”, chuyên gia này phân tích. “Quân đội Trung Quốc đã khẳng định các biện pháp phòng thủ khẩn cấp sẽ được triển khai nếu một máy bay đi vào vùng này và từ chối tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc”. Tuyên bố này “rõ ràng đi ngược lại các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Bắc Kinh từng tuyên bố có quyền lập ADIZ gần lãnh thổ nước mình, nhưng chưa phải thời điểm thích hợp để làm điều này trên Biển Đông.
Wu Shicun, chủ tịch Viện quốc gia về Biển Đông khẳng định Bắc Kinh sẽ tránh việc đơn phương lập ADIZ trên Biển Đông, để tránh leo thang căng thẳng trong khu vực và khiến hợp tác quân sự Trung – Mỹ rơi vào bế tắc.
Xuất hiện tại một hội thảo gần đây của CSIS, ông Wu cho rằng Trung Quốc cần đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông, đẩy nhanh quá trình hình thành bộ Quy tắc ứng xử với các nước ASEAN, và đảm bảo các hòn đảo vừa bồi đắp chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Dù vậy, ông Wu cho rằng tình hình có thể thay đổi nếu Nhật trở thành một nhân tố.
“Nhật muốn cùng Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra chung trên không phận Biển Đông, và mới đây đã chỉ trích hoạt động bồi lấn của Trung Quốc trong khu vực”, ông Wu phân tích. “Nếu một ngày nào đó Nhật cùng Mỹ thực hiện các chuyến bay do thám gần, Trung Quốc sẽ buộc phải đáp trả tương ứng”, ông Wu nói.
Trung Quốc thời gian qua vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp phản ứng quyết liệt từ các nước láng giềng. Hoạt động bồi lấn và xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh bị lên án mạnh mẽ và các quốc gia trong khu vực cho rằng các cơ sở này có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự.
Thanh Tùng
Theo VOA