1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quốc hội Mỹ họp thâu đêm để xác nhận kết quả bầu cử

Minh Phương

(Dân trí) - Mặc dù đã bước sang ngày 7/1, nhưng quốc hội Mỹ vẫn chưa thể hoàn tất quá trình kiểm phiếu, xác nhận kết quả và công bố tổng thống đắc cử, một phần do bị gián đoạn bởi cuộc biểu tình bạo loạn.

Quốc hội Mỹ họp thâu đêm để xác nhận kết quả bầu cử - 1

Một nghị sĩ Mỹ ngồi trong phòng họp giữa đêm tại tòa nhà quốc hội (Ảnh: EPA)

Chạy đua với thời gian

Quốc hội Mỹ đã không thể hoàn tất việc xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri và công bố tổng thống đắc cử trong ngày 6/1 theo kế hoạch. Đêm 6/1, rạng sáng 7/1 theo giờ địa phương, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ quyết định tiếp tục quá trình này để có thể hoàn tất sớm nhất có thể.

Theo ghi nhận của CNN, hiện quốc hội Mỹ đã xác nhận được tổng cộng 401 phiếu trong tổng số 538 phiếu, trong đó gồm 244 phiếu cho ông Joe Biden và 157 phiếu cho Tổng thống Donald Trump.

Việc kiểm phiếu và xác nhận tổng thống đắc cử không thể hoàn tất trong ngày 6/1 một phần do cuộc biểu tình bạo loạn xảy ra ngay khi quốc hội khai mạc cuộc họp và một phần do quy trình tranh luận độc lập tại lưỡng viện kéo dài 2 tiếng đối với khiếu nại kết quả ở một số bang.

Hiện khiếu nại kết quả ở Arizona, Pennsylvania đã bị quốc hội bác bỏ, trong khi khiếu nại ở Georgia, Michigan, Nevada thất bại vì không có sự ủng hộ của thượng nghị sĩ nào. Các nguồn thạo tin trước đó cho biết, hơn 150 nghị sĩ Cộng hòa có ý định thách thức kết quả ở 6 bang gồm Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Nevada và Wisconsin. Nếu theo kế hoạch này, hiện chỉ còn khiếu nại kết quả ở Wisconsin.

Điều gì xảy ra khi không thể xác nhận tổng thống đắc cử ngày 6/1?

Mặc dù hiến pháp Mỹ ấn định ngày 6/1 là ngày xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri, công bố tổng thống đắc cử, nhưng mốc thời gian này đã từng một vài lần thay đổi trong lịch sử bầu cử ở Mỹ. Năm 2013, ngày 6/1 trùng vào chủ nhật, nên lịch họp quốc hội xác nhận kết quả bầu cử được đẩy lên ngày 4/1.

Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri nêu rõ, Hạ viện và Thượng viện không được phép giải tán cuộc họp lưỡng viện cho đến khi hoàn tất xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri, song đạo luật này cũng giới hạn phiên họp không kéo dài quá 5 ngày. Với quy định tranh luận khiếu nại kết quả với mỗi bang không quá 2 giờ đồng hồ, thì thời gian 5 ngày được xem là đủ dài để quốc hội hoàn tất kiểm phiếu trong trường hợp phát sinh nhiều khiếu nại.

Tuy nhiên, do một tình huống bất khả kháng, sau 5 ngày quốc hội vẫn không thể hoàn tất, cơ quan này được phép tiếp tục quy trình cho đến khi công bố kết quả chính thức. Nếu quá trình đó kéo dài quá ngày 20/1 - ngày ấn định tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức, Đạo luật Kế vị tổng thống sẽ được kích hoạt, quốc hội sẽ chỉ định tổng thống tạm quyền, trong tình huống hiện nay, nếu phải chỉ định tổng thống tạm quyền thì đó nhiều khả năng là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Khi quốc hội công bố tổng thống đắc cử, tổng thống tạm quyền sẽ thôi chức. Các chuyên gia cho rằng kịch bản này sẽ không xảy ra, tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ vẫn tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm