Quốc gia thành viên NATO bác tin bí mật cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine
(Dân trí) - Truyền thông Ba Lan cho biết, nước này có thể đã bí mật chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine dưới vỏ bọc các linh kiện. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan đã phủ nhận thông tin này.
Báo Dziennik Gazeta Prawna (DGP) của Ba Lan dẫn nguồn thạo tin ngày 26/1 cho hay, mùa xuân năm 2022, Ba Lan đã bí mật chuyển một số máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine bằng cách tháo rời và nói rằng đó chỉ là linh kiện.
"Thân, cánh máy bay cũng chuyển dưới dạng linh kiện", DGP cho hay.
Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan đã phủ nhận thông tin này.
Ba Lan, một quốc gia thành viên NATO, có chung đường biên giới với Ukraine. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm ngoái, Warsaw viện trợ nhiều khí tài cho Kiev và được cho là trở thành một trong những điểm tập kết vận chuyển vũ khí phương Tây vào Ukraine. Gần đây, Ba Lan tuyên bố sẵn sàng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Ukraine bất chấp có hay không có sự chấp thuận của Đức - quốc gia sản xuất Leopard.
Đến nay, Mỹ và các đồng minh NATO đều công khai bác ý tưởng cung cấp máy bay chiến đấu theo đề nghị của Ukraine. Hồi tháng 3 năm ngoái, Mỹ bác kế hoạch chuyển máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine, cho rằng động thái đó có thể khiến xung đột leo thang, đẩy Mỹ và Ba Lan đối đầu trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên, đến tháng 4, Lầu Năm Góc cho biết, một số đồng minh của Mỹ đã giúp Ukraine tăng cường phi đội máy bay chiến đấu bằng cách viện trợ linh kiện để khôi phục các máy bay của Kiev bị hư hại trong giao tranh.
Theo nguồn tin mới của DGP, Ba Lan có thể là một trong những đồng minh đó. Cuối tháng 4 năm ngoái, Ba Lan công bố viện trợ quân sự 7 tỷ USD cho Kiev, trong đó có một nửa số xe tăng, hàng chục lựu pháo, đạn pháo và tên lửa dùng cho máy bay MiG-29 và Su-27.
Phương Tây liên tục cung cấp khí tài quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra cách đây gần một năm. Đặc biệt, những tuần gần đây, các nước này được cho là bắt đầu gạt sang một bên những lo ngại trước kia về việc chuyển vũ khí hạng nặng. Mỹ cam kết sẽ gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, trong khi Đức, Ba Lan và một số đồng minh khác sẵn sàng viện trợ xe tăng Leopard 2.
Ukraine có thể được tiếp nhận những xe tăng hạng nặng đầu tiên vào tháng 3 tới sau khi quá trình huấn luyện vận hành hoàn tất. Kế hoạch này có thể giúp Kiev củng cố đáng kể năng lực thiết giáp trước nguy cơ Nga sắp mở đợt tấn công mới.
Ngoài xe tăng, giới chức Ukraine cũng hối thúc các đồng minh viện trợ hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu. Giới quan sát cho rằng, sau xe tăng, máy bay chiến đấu có thể cũng không còn là "vùng cấm" trong chính sách hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine.
Trong khi đó, Nga tuyên bố, việc trang bị những khí tài hạng nặng này cho Ukraine là bằng chứng cho thấy phương Tây ngày càng can dự trực tiếp vào xung đột. Moscow cảnh báo, tất cả vũ khí từ bên ngoài vào đều trở thành mục tiêu phá hủy chính đáng của Nga.