Quốc gia EU nói châu Âu đã "cạn mong muốn trừng phạt Nga"
(Dân trí) - Lithuania, một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng khối này hiện đã "cạn" mong muốn áp thêm trừng phạt lên Nga, trong bối cảnh họ đang lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng.
Tass ngày 16/8 đưa tin, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis thừa nhận rằng mong muốn áp thêm lệnh trừng phạt chống lại Nga của khối EU "đã cạn".
Khi được hỏi về việc liệu EU có áp thêm lệnh cấm vận lên Nga hay không, ông Landsbergis cho biết: "Tôi cho rằng mong muốn ban hành thêm các lệnh trừng phạt đã cạn. Nhiều quốc gia châu Âu giờ đây đang lo ngại về mùa đông sắp tới gần, vì giá khí đốt và năng lượng (tăng)".
"Tuy nhiên, tôi nghĩ mọi thứ có thể sẽ không tồi tệ như dự đoán. Tôi hy vọng, chúng tôi có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Nga khi chúng tôi nhận thấy châu Âu đã có thể xử lý các vấn đề liên quan tới năng lượng", nhà ngoại giao nhấn mạnh.
EU phụ thuộc vào Nga khoảng 40% lượng khí đốt và 1/3 lượng dầu. Khối này đang phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát kỷ lục.
Trước đó, một quốc gia thành viên khác của EU là Hungary cho biết, các lệnh trừng phạt của liên minh, bao gồm với mặt hàng dầu mỏ của Moscow, đã gây tác dụng ngược khi chúng còn gây thiệt hại cho châu Âu nặng nề hơn cho Moscow. Đồng thời, các lệnh trừng phạt này đã không hiệu quả trong mục tiêu khiến Nga phải dừng chiến dịch quân sự đã kéo dài 6 tháng qua ở nước láng giềng Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra hậu quả "thảm khốc" cho thị trường năng lượng toàn cầu. Nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 5 tuyên bố, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới.
Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định, động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp thông qua việc giá dầu thế giới tăng phi mã.
Mặt khác, Nga cũng đang tích cực trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng, và hướng tới các đối tác lớn khác như Ấn Độ hay Trung Quốc - các quốc gia đang có nhu cầu khổng lồ về năng lượng. Châu Âu có thể tìm cách xoay xở khi không còn mua dầu Nga, nhưng họ sẽ phải chấp nhận mức giá cao.