1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc gia đầu tiên sẽ nhận vắc xin Covid-19 của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Belarus sẽ trở thành quốc gia đầu tiên nhận vắc xin ngừa Covid-19 từ Nga sau khi Moscow bắt đầu xuất khẩu vắc xin này.

Quốc gia đầu tiên sẽ nhận vắc xin Covid-19 của Nga - 1

Mẫu vắc xin ngừa Covid-19 của Nga tại nhà máy dược phẩm Binnopharm. (Ảnh: Sputnik)

Văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên nhận vắc xin Covid-19 có tên gọi Sputnik V do Nga sản xuất. Thông tin này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Hai tổng thống đã nhất trí rằng người dân Belarus sẽ tình nguyện tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin (của Nga). Do vậy, Belarus sẽ trở thành quốc gia đầu tiên nhập khẩu vắc xin của Nga”, văn phòng báo chí của Tổng thống Belarus cho biết.

Nga ngày 11/8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc xin Covid-19. Vắc xin do Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya ở Moscow phát triển.

Bộ Y tế Nga khẳng định Sputnik V đã trải qua tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết và được chứng minh có khả năng xây dựng hệ thống miễn dịch chống virus corona.

Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov ngày 21/8 nói rằng Nga có thể sẽ bắt đầu xuất khẩu vắc xin Covid-19 vào mùa xuân năm 2021 khi đạt được số lượng sản xuất đủ ở trong nước. Nga dự kiến tiêm chủng đại trà Sputnik V từ tháng 9.

Theo Bộ trưởng Manturov, Nga dự kiến sẽ sản xuất khoảng 1,5 - 2 triệu liều vắc xin Covid-19 tiềm năng của nước này vào cuối năm nay. Sau đó, Nga sẽ tăng dần số lượng lên 6 triệu liều mỗi tháng.

Giám đốc Viện Gamaleya nói rằng vắc xin Covid-19 của Nga dự kiến không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021, vì phải mất từ 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ nếu có. 

Giới chức Nga cho biết nước này đã nhận được đơn đặt hàng hơn 1 tỷ liều vắc xin Covid-19 từ hơn 20 quốc gia, trong đó các nước Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đặc biệt quan tâm tới vắc xin này.