1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quốc gia châu Âu kêu gọi đưa quân tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Lithuania cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên quay lại ý tưởng đưa quân vào Ukraine.

Quốc gia châu Âu kêu gọi đưa quân tới Ukraine - 1

Lực lượng Ukraine giao tranh với Nga (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nói với hãng tin Politico rằng, Liên minh châu Âu (EU) nên khôi phục các cuộc đàm phán về việc triển khai lực lượng EU tại Ukraine để ứng phó với nghi vấn Triều Tiên có thể đưa đạn dược và binh lính tham gia cùng Nga trong các cuộc giao tranh.

"Nếu thông tin rằng các đơn vị của Nga được trang bị đạn dược và quân nhân Triều Tiên được xác nhận, chúng ta phải quay lại với ý tưởng triển khai lực lượng trên bộ và các ý tưởng khác do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất", Ngoại trưởng Landsbergis nói.

Nga đã bác bỏ các đồn đoán về việc Triều Tiên cấp vũ khí và binh lính cho Moscow là "câu chuyện bịa đặt". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra thông tin trên vào tuần trước, tuy nhiên, cả Mỹ và NATO vẫn chưa thể xác nhận bất kỳ báo cáo nào liên quan đến vấn đề này.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhiều lần chỉ trích việc Tổng thống Pháp Macron từ chối loại trừ khả năng triển khai quân đội Pháp tới Ukraine. Họ cho rằng động thái như vậy sẽ dẫn đến leo thang nghiêm trọng cuộc xung đột.

Đồng thời, theo Politico, EU được cho là đang cân nhắc khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine sau khi xung đột kết thúc. Theo cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Kenneth Weinstein, động thái như vậy cho thấy EU vẫn còn lợi ích trong cuộc chơi.

"Nếu có một khu phi quân sự DMZ giữa Ukraine và Nga, tôi đề xuất nên để quân đội EU điều hành khu vực này, không phải quân đội NATO và không phải quân đội Mỹ", ông Weinstein, hiện là chủ tịch của Viện Hudson, một nhóm nghiên cứu bảo thủ có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Một nhà lập pháp EU cũng đã xác nhận với Politico rằng vấn đề về lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine "sẽ được nêu ra" sau khi xung đột kết thúc.

Hồi tháng 10, báo The Times dẫn nguồn tin nội bộ Anh và Ukraine cho biết, kế hoạch mà giới chức Anh đang thảo luận là triển khai các nhóm nhỏ huấn luyện viên quân sự đến các vùng phía tây Ukraine để đào tạo cơ bản và tăng cường cho các tân binh Ukraine trước khi họ được điều động ra tiền tuyến.

Điều này sẽ giải quyết một số vấn đề hậu cần liên quan đến việc gửi binh sĩ Ukraine đến các căn cứ của Anh để huấn luyện, cũng như giảm chi phí.

Ý tưởng đưa lực lượng quân sự của NATO đến hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine từng được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập hồi tháng 2. Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải phản ứng trái chiều từ các đồng minh NATO.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo về việc triển khai lực lượng phương Tây tới Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng động thái như vậy có thể dẫn đến "một cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu và một cuộc xung đột toàn cầu".

Mỹ và các đồng minh NATO nhiều lần khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine vì lo ngại trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Phương Tây đến nay chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Kiev. Các nước này cũng chưa cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo RT