1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quốc đảo Thái Bình Dương thẳng tay gạt dự án 100 triệu USD của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng mới của Samoa cam kết gác lại việc phát triển khu cảng trị giá 100 triệu USD do Trung Quốc tài trợ trong bối cảnh vẫn đang mắc nợ Bắc Kinh.

Quốc đảo Thái Bình Dương thẳng tay gạt dự án 100 triệu USD của Trung Quốc - 1

Một tàu container dỡ hàng tại cảng Matautu ở thủ đô Apia của Samoa (Ảnh: Reuters).

Bà Fiame Naomi Mataafa, người sắp trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa sau nhiều tuần bế tắc chính trị, đã cam kết tạm gác lại việc phát triển khu cảng Vaiusu trị giá 100 triệu USD do Trung Quốc tài trợ.

Bà Mataafa cho rằng dự án này là "quá sức" đối với một hòn đảo nhỏ chỉ có 200.000 dân ở Thái Bình Dương, trong khi Samoa vẫn đang nợ Trung Quốc khoản tiền lớn.

Thủ tướng sắp nhậm chức của Samoa cho biết bà vẫn dự định duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng Samoa có nhiều nhu cầu cấp bách hơn phải giải quyết.

Dự án xây dựng cầu cảng ở vịnh Vaiusu gây nhiều tranh cãi ở Samoa và là một trong những vấn đề tác động đến cuộc bầu cử hồi tháng 4, khi đảng của cựu Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi mất đa số ghế tại quốc hội.

Dự án cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc tranh chấp ở Thái Bình Dương, khi Mỹ và các đồng minh đang tìm cách đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Bà Fiame nói với Reuters rằng, Samoa hiện có nhiều nhu cầu cấp bách hơn là xây dựng một cảng mới.

"Samoa là một đất nước nhỏ bé. Các cảng biển và sân bay của chúng tôi hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu của chúng tôi", bà Fiame nói qua điện thoại từ thủ đô Apia.

"Rất khó để tưởng tượng rằng chúng tôi sẽ cần một dự án có quy mô lớn như thế này, trong khi có nhiều dự án cấp bách hơn mà chính phủ cần ưu tiên", bà Fiame nói thêm.

Quốc đảo Thái Bình Dương thẳng tay gạt dự án 100 triệu USD của Trung Quốc - 2

Bà Fiame Naomi Mataafa sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Samoa (Ảnh: AFP)

Lập trường của bà Fiame đánh dấu một quyết định mang tính đột phá, đảo ngược chính sách của cựu Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi - người mà Bắc Kinh coi là đồng minh thân cận trong hơn hai thập niên lãnh đạo Samoa.

"Số nợ của chính phủ chúng tôi đối với chính phủ Trung Quốc là một vấn đề cấp bách đối với cử tri", bà Fiame cho biết, đồng thời khẳng định chính phủ của bà sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Samoa, chiếm khoảng 40% (tương đương khoảng 160 triệu USD) trong các khoản nợ nước ngoài của quốc gia nhỏ bé này.

Ông Tuilaepa trước đây từng nói rằng, các quốc gia ở Thái Bình Dương phải tự đổ lỗi cho mình nếu để rơi vào tình trạng nợ không bền vững. Ông thường xuyên nhấn mạnh trước quốc hội rằng, cầu cảng Vaiusu là "dự án do Trung Quốc tài trợ", sẽ tạo ra nhiều việc làm cần thiết, đồng thời tăng cường thương mại và du lịch.

Theo một báo cáo được đăng trên Samoa Observer hồi tháng 1, dự án đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc. Các công việc sẽ bắt đầu được triển khai khi các nước mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.

Samoa, quốc gia vốn phụ thuộc vào trồng trọt tự cung tự cấp, du lịch, xuất khẩu cá và sản phẩm dừa, đã tìm đến các quốc gia lớn hơn để nhận tài trợ phát triển từ trước khi đại dịch bùng phát.

Cảng Vaiusu, nằm gần cảng Apia chính của Samoa, gần đây cũng được mở rộng với sự hỗ trợ tài chính từ Nhật Bản. Tuy nhiên, sự đầu tư của Trung Quốc vào cảng này đã thu hút sự quan tâm và chỉ trích lớn hơn.

Theo Reuters, các cơ sở do Trung Quốc hậu thuẫn có thể được chuyển đổi thành căn cứ quân sự, đặt ra thách thức đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực. Đầu tháng này, Trung Quốc đã viện trợ dự án nâng cấp một đường băng ở một trong những hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương của Kiribati.