1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Động cơ phía sau dự án "khủng" của Trung Quốc tại quốc đảo Thái Bình Dương

Thành Đạt

(Dân trí) - Dự án xây dựng cơ sở chế biến hải sản của Trung Quốc tại Papua New Guinea khiến Australia lo ngại về rủi ro an ninh và tài nguyên trong khu vực.

Động cơ phía sau dự án khủng của Trung Quốc tại quốc đảo Thái Bình Dương - 1

Tàu cá mang cờ Trung Quốc. (Ảnh: Tass)

Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Công ty Fujian Zhonghong Fishery đã ký biên bản ghi nhớ với chính phủ Papua New Guinea để xây dựng "khu công nghiệp hải sản đa chức năng toàn diện" trị giá 204 triệu USD trên đảo Daru. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Daru là một trong số các đảo nằm ở khu vực eo biển Torres, chỉ cách lục địa Australia khoảng 200 km.

Jeffrey Wall, cựu cố vấn của chính phủ Papua New Guinea, cho rằng khu vực xung quanh đảo Daru vốn không phải là ngư trường thương mại dồi dào. Do vậy, việc Trung Quốc rót hơn 200 triệu USD vào một cơ sở chế biến hải sản ở khu vực này là điều cần lưu ý.

"Chúng ta nên cảnh giác, không chỉ bởi cơ sở này nằm ở vị trí chiến lược gần Australia, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xung đột tại eo biển Torres. Đây là khu vực gần Australia nhất và chỉ cách một số đảo của chúng ta tại eo biển Torres vài km", ông Wall cho biết.

Ông Wall tin rằng Trung Quốc có động cơ ngầm khi chọn đầu tư tại khu vực này.

"Theo quan điểm của tôi, việc họ cần làm trước tiên là xây một cầu tàu rất lớn. Đó là nơi các tàu hải quân có thể neo đậu", ông Wall cho biết.

Nghị sĩ liên bang Australia Warren Entsch cũng đồng tình với quan điểm trên.

"Bởi vì chúng ta đang thiết lập hiện diện hải quân với Papua New Guinea và Mỹ trên đảo Manus (Papua New Guinea), điều khiến tôi lo lắng là có thể có động cơ khác phía sau những gì Trung Quốc đang làm ở đây", ông Entsch nhận định.

Động cơ phía sau dự án khủng của Trung Quốc tại quốc đảo Thái Bình Dương - 2

Các tàu trên đảo Daru ở eo biển Torres. (Ảnh: Guardian)

Chưa tính đến các động cơ ngầm, nghị sĩ Entsch tin rằng dự án do Trung Quốc đầu tư có thể gây ra những tác động đáng quan ngại về nguồn cá thương mại.

Theo Hiệp ước eo biển Torres, người Papua New Guinea từ 13 ngôi làng có thể đi lại tự do qua biên giới và được phép đánh bắt ở vùng biển của Australia.

"Họ sẽ tàn phá và cướp bóc tại khu vực này, họ sẽ càn quét các rặng san hộ. Hãy nhìn vào những gì họ đã làm ở quần đảo Galapagos, họ phá hủy hoàn toàn ngành công nghiệp đó. Người dân ở eo biển Torres có quyền tiếp cận các nguồn cá, tôm hùm và bây giờ Trung Quốc cũng có quyền đó", ông Entsch cảnh báo về mục đích của Trung Quốc.

Hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã bị phát hiện đánh bắt hàng nghìn tấn hải sản ở khu vực quần đảo Galapagos của Ecuador. Hải quân Ecuador đã phải tăng cường hoạt động tuần tra để giám sát các tàu Trung Quốc.

"Chúng tôi không thể ngăn chặn được việc này, vì Papua New Guinea là quốc gia có chủ quyền. Họ cũng không thích chúng tôi can thiệp và bảo họ không thể làm gì", ông Entsch cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá eo biển Torres Phillip Ketchell lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng hiệp ước eo biển Torres như một "cửa sau" để tiếp cận nguồn cá trong khu vực. Theo hiệp ước, người Papua New Guinea được phép đánh bắt 25% sản lượng tôm hùm trong vùng biển của Australia.

Ông Ketchell cho rằng các nhà chức trách cần tăng cường giám sát các tàu cá trong khu vực. Ông Ketchell lo ngại về sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc lớn và hiện đại hơn, cùng với đó là số tiền khổng lồ được Bắc Kinh đầu tư vào khu vực này.