1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quân đội Mỹ tăng kỷ lục nhiệm vụ tuần tra, giám sát Biển Đông

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và các chuyến bay giám sát trên Biển Đông trong năm 2020 hơn bất cứ năm nào trước đó, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy.

Quân đội Mỹ tăng kỷ lục nhiệm vụ tuần tra, giám sát Biển Đông - 1

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh minh họa: Quân đội Mỹ).

Theo Sputnik, tổ chức Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho thấy Mỹ trong năm 2020 đã thực hiện số lượng nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và các chuyến bay giám sát trên Biển Đông nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó.

SCSPI cho rằng, dù Mỹ giảm bớt số lượng các cuộc tập trận ở khu vực, nhưng các cuộc tập trận do họ tổ chức có quy mô như diễn tập các hoạt động quân sự trong tương lai, hơn là chỉ đơn thuần phô diễn sức mạnh.

Theo báo cáo của SCSPI, Mỹ được cho đã thực hiện ít nhất 1.000 phi vụ trinh sát trên các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc, xuất phát từ nhiều căn cứ khác nhau, bao gồm Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc, Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Căn cứ Không quân Andersen ở Guam, và Căn cứ không quân Clark ở Philippines, sử dụng hơn 10 loại máy bay có người lái và không người lái khác nhau.

Tổ chức trên nói rằng, trong hơn 10% trong số các nhiệm vụ kể trên, Mỹ dường như đã cải trang máy bay quân sự của họ thành máy bay dân sự của một quốc gia nước ngoài để hoạt động.

Ngoài ra, Mỹ được cho cũng sử dụng một số máy bay trinh thám thuộc sở hữu của các nhà thầu quốc phòng dân sự ở khu vực. Tuy nhiên, các máy bay này không có năng lực tương đương với các máy bay thu thập thông tin tình báo kích thước lớn. Mặc dù vậy, động thái này cho thấy nhu cầu thực hiện nhiệm vụ tình báo ngoài khơi Trung Quốc của Mỹ dường như lớn hơn khả năng đáp ứng của đội bay hiện tại.

Cũng theo SCSPI, Mỹ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông và qua eo biển Đài Loan trong năm 2020 nhiều hơn bất cứ năm nào khác.

Tháng 7/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên ra thông cáo mạnh mẽ bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng các yêu sách của Bắc Kinh là "hoàn toàn bất hợp pháp".

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Mỹ giảm số lượng cuộc tập trận ở Biển Đông trong năm 2020. Tuy nhiên, SCSPI cho rằng đặc điểm của các cuộc tập trận trong năm qua đã có sự thay đổi.

"Điều đáng chú ý là, không giống như các cuộc tuần tra thông thường trong những năm trước, việc triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đến Biển Đông và các khu vực lân cận vào năm 2020 rất giống với (diễn tập) chiến đấu", SCSPI nhận định.

"Ví dụ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald đã được triển khai tới các khu vực gần Biển Đông trong hơn 4 tháng, và trong thời gian đó, nó đi vào vùng biển này nhiều lần, cũng như phối hợp với các nhóm tấn công tàu sân bay khác, nhằm duy trì sự răn đe cần thiết", báo cáo cho hay.  

Ngoài ra, kể từ khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy những động thái tăng cường hiện diện ở Biển Đông trong nỗ lực được cho là nhằm thách thức chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Theo SCSPI, chỉ riêng trong tháng 2/2021, Mỹ đã tiến hành 75 sứ mệnh trinh sát bằng cả máy bay có người lái và không có người lái ở Biển Đông, cao hơn so với 70 chuyến bay trong tháng 1. Đây là con số cao kỷ lục cho thấy Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện ở vùng biển chiến lược này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm