1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quan chức Nga đề xuất kịch bản chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Một quan chức Nga đã bày tỏ quan điểm về cách giải quyết xung đột trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đưa ra đề xuất về khả năng đàm phán hòa bình.

Quan chức Nga đề xuất kịch bản chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Binh sĩ Nga ở Donetsk (Ảnh: Sputnik).

Trang tin Avia Pro ngày 1/4 đưa tin, ông Vladimir Rogov, đại diện Phòng Công cộng Nga, đề xuất bắt đầu quá trình giải quyết xung đột bằng việc rút quân đội Ukraine khỏi một số khu vực phía đông nam do Kiev kiểm soát, bao gồm các phần của vùng Zaporizhia và Kherson, cũng như Donetsk và Lugansk. Ông lưu ý rằng động thái này sẽ là bước khởi đầu cho sự đầu hàng của lực lượng Ukraine.

Theo ông Rogov, nội dung chính của các cuộc đàm phán nên tập trung vào việc phi quân sự hóa, phi phát xít hóa các khu vực, thiết lập tiếng Nga làm ngôn ngữ nhà nước, cũng như tổ chức trưng cầu dân ý tự do ở một số khu vực khác của Ukraine, bao gồm Kharkov, Odessa, Dnepropetrovsk, Nikolaev, và thậm chí ở các vùng Lviv và Transcarpathian, để xác định tương lai của họ.

Trả lời phỏng vấn CBS vào tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý rằng không nhất thiết phải giành lại lãnh thổ "chỉ bằng các biện pháp quân sự". Ông cũng nói rằng, lực lượng Ukraine cần ít nhất khôi phục tình trạng lãnh thổ năm 2022, trước khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Theo hãng tin RT, phát biểu này của ông Zelensky dường như phát tín hiệu rằng Ukraine không còn coi việc khôi phục đường biên giới năm 1991 là điều kiện tiên quyết để hòa đàm với Nga ngay cả khi ông tiếp tục thúc đẩy công thức hòa bình 10 điểm của mình.

Cuối năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông cũng đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Moscow nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế". Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ, nếu Ukraine muốn đàm phán, họ trước tiên phải hủy sắc lệnh cấm hòa đàm với chính quyền của ông.

Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba gợi ý, Kiev có thể đàm phán với Moscow sau hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Pesksov tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận những quy tắc do người khác áp đặt.

Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2 năm ngoái với mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ".

Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. 

Theo Avia Pro

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm