1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan chức Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh tổng lực

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Mỹ phải từ bỏ tham vọng "thống trị thế giới" để tránh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hủy diệt.

Quan chức Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh tổng lực - 1

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Tass).

Trong bài viết đăng trên Telegram hôm 21/10, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết mục tiêu của Mỹ là "thống trị Thế giới cũ, cũng như phần còn lại của thế giới".

Tuy nhiên, theo ông Medvedev, chính sách này chỉ dẫn đến "sự suy yếu của phương Tây, bao gồm cả châu Âu" trong khuôn khổ của trật tự toàn cầu đa cực hiện đại.

Bình luận của quan chức Nga được đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS sắp diễn ra tại thành phố Kazan của Nga trong tuần này.

Ông Medvedev lập luận rằng thế giới cần một sự cân bằng quyền lực thay vì sự thống trị, nghĩa là phải có một "đối trọng toàn diện" với Mỹ, chẳng hạn như trong thời kỳ Liên Xô.

Theo ông Medvedev, sự phát triển của BRICS như một cường quốc toàn cầu, cũng như sự phát triển của các liên minh khu vực tương tự và sự phát triển toàn diện của các mối quan hệ với các quốc gia ở Nam Bán cầu là những dấu hiệu cho thấy một sự cân bằng như vậy đã được hình thành.

"Rốt cuộc, giải pháp thay thế cho sự cân bằng quyền lực như vậy là một cuộc chiến tranh tổng lực dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn của nhân loại", quan chức cấp cao Nga cảnh báo.

"Một thế giới không cân bằng trong điều kiện hiện nay sẽ không kéo dài được một thập niên. Nếu phương Tây không nhận ra sự thật đơn giản này, đó là hồi kết cho tất cả mọi người", ông Medvedev nhận định.

Ông Medvedev là Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, trước khi giữ chức thủ tướng cho đến năm 2020. Ông nổi tiếng với lập trường cứng rắn về xung đột Ukraine và chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Ông cũng cáo buộc Mỹ theo đuổi chương trình nghị sự "chủ nghĩa thực dân mới toàn cầu".

BRICS sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 16 vào cuối tuần này. BRICS ban đầu được thành lập vào năm 2006 với các thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Hiện BRICS bao gồm 9 quốc gia, trong đó có Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia và UAE, đại diện cho khoảng 46% dân số thế giới và hơn 36% GDP toàn cầu, theo ước tính của các tổ chức tài chính toàn cầu. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự phát triển nhanh chóng của nhóm báo hiệu rằng sự độc quyền của phương Tây đối với hệ thống quốc tế đã kết thúc và thế giới đang hướng tới đa cực.

Phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp của BRICS ngày 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, các quốc gia của khối này đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quốc tế.

Theo ông, tiềm năng của các nước BRICS vẫn còn và sẽ chỉ tăng thêm thông qua hợp tác trong khối. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh BRICS hiện chiếm 37,4% GDP toàn cầu, trong khi nhóm G7 chỉ chiếm 29,3%. "Và khoảng cách này đang ngày càng mở rộng. Và nó sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa. Đó là điều không thể tránh khỏi", ông Putin nói thêm.

Theo RT