Quan chức Mỹ nói ông Trump "chấp nhận rủi ro để đối phó Trung Quốc"
(Dân trí) - Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Donald Trump sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên tục leo thang.
Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 30/7 đưa tin, trong bài phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện nghiên cứu Brookings về “chiến lược và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc”, Lisa Curtis, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã liệt kê các nước có vị trí giáp hoặc gần Trung Quốc mà Mỹ đang tăng cường mối quan hệ cả về kinh tế và quân sự, bao gồm Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và Bhutan.
“Mỹ sẵn sàng chấp nhận thêm rủi ro trong mối quan hệ với Trung Quốc và tôi nghĩ mỗi bên sẽ phải quen với định hướng mới này vì nó sẽ định hình chính sách của Mỹ trong khu vực”, bà Curtis nói.
Bà Curtis cho biết mối quan tâm của bà tập trung vào khu vực Trung Nam Á, đặc biệt là mối quan hệ đối tác “ngày càng sâu sắc” giữa Mỹ và Ấn Độ. Hai nước cùng chia sẻ cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, tự do và minh bạch, đồng thời đảm bảo rằng các nước khác ở khu vực Trung và Nam Á đều có thể bảo vệ chủ quyền.
Bà Curtis cũng đề cập tới thỏa thuận vũ khí trị giá 3 tỷ USD giữa Mỹ và Ấn Độ trong năm nay, bao gồm 24 trực thăng MH-60 Romeo Seahawk và 6 trực thăng tấn công AH-64E Apache, cùng thỏa thuận tăng cường tham vấn 4 bên với Australia và Nhật Bản. Đây được xem là phần quan trọng trong chiến lược khu vực của Tổng thống Donald Trump.
“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của chính quyền Trump bao trùm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kéo dài từ Nam Á cho tới bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ. Bắc Kinh coi chiến lược này là nỗ lực của Washington nhằm tập hợp các cường quốc trong khu vực như Ấn Độ và Nhật Bản để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.
Theo bà Curtis, xung đột biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ càng cho thấy rõ các nước trong khu vực không còn tin tưởng chiến lược thắt chặt quan hệ của Bắc Kinh. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng và đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa quân đội 2 nước trong hàng chục năm qua.
Bà Curtis cũng đưa ra cam kết về việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Mỹ - Bangladesh, sau khi cáo buộc Trung Quốc bán khí tài giá rẻ và xây dựng căn cứ dành cho các tàu ngầm từ thập niên 1970 mà Bắc Kinh bán cho Hải quân Bangladesh hồi năm 2016.
“Chúng tôi cam kết với thành công dài hạn của Bangladesh vì các lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phụ thuộc vào một nước Bangladesh hòa bình, an ninh, thịnh vượng và dân chủ”, bà Curtis nói.
Bà Curtis không hy vọng rằng Kazakhstan, Kyrgyzstan và các nước Trung Á khác sẽ chối bỏ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, khi chính phủ các nước này lo ngại về những hậu quả kinh tế có thể xảy ra nếu mối quan hệ với Trung Quốc bị xấu đi.
“Liên quan tới các nước Trung Á, tôi nghĩ rằng họ lo ngại về ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại nước họ, do vậy họ giấu các bình luận về tình trạng trấn áp người Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương (Trung Quốc)”, bà Curtis nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra phản hồi về những bình luận trên.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 28/7 đã lên tiếng chỉ trích lập trường ngày càng cứng rắn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, ông Vương cho biết chiến lược của chính quyền Trump “liên tục kích động lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tấn công hệ thống xã hội do người dân Trung Quốc lựa chọn và bôi nhọ đảng cầm quyền có liên kết chặt chẽ với người Trung Quốc”.