1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Qatar mua vũ khí phòng thân

Qatar tiếp tục mua thêm thiết bị an ninh đề phòng bạo loạn sau loạt các biện pháp tăng cường phòng thủ từ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.


Xe tăng Leopard của quân đội Qatar trong một buổi diễu binh tại Doha. (Ảnh: Sputnik)

Xe tăng Leopard của quân đội Qatar trong một buổi diễu binh tại Doha. (Ảnh: Sputnik)

Trang Al-Arabiya (Arabia Saudi) cho biết chính quyền Doha đã hoàn tất một hợp đồng mua thiết bị chống bạo loạn từ một công ty của Brazil.

Không rõ hợp đồng giữa Qatar và công ty chuyên sản xuất vũ khí ở Brazil là gì nhưng các cơ quan truyền thông cho rằng đó có thể là những thiết bị phòng chống và giải tán biểu tình cho cảnh sát chống bạo động.

Hợp đồng được cho là nhằm chuẩn bị cho những tình huống xấu trong xã hội khi cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao với bốn nước Arabia kéo dài thời gian qua.

Những đồn đoán trên dựa trên việc ộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid al-Attiyah gọi cuộc khủng hoảng nảy sinh xung quanh đất nước là một nỗ lực "đảo chính mềm" từ phía các quốc gia láng giềng, và lưu ý Doha sẵn sàng tự vệ.

"Chính xác là như vậy... Năm 2017 đã xảy ra một âm mưu đảo chính mềm" - ông Al-Attiyah cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sky News của Anh, trả lời câu hỏi về âm mưu của các nước láng giềng.

Ông Al-Attiyah bổ sung rằng, Qatar coi những gì xảy ra là "cú đâm phía sau" từ bạn bè và lưu ý nước này đã chứng tỏ không dễ "nuốt".

"Tôi hy vọng chúng ta sẽ không đạt đến giai đoạn can thiệp quân sự, nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng. Chúng tôi ở đây để bảo vệ đất nước của mình" - Bộ trưởng Quốc phòng Qatar cho biết.


Hàng loạt quốc gia vùng Vịnh tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Hàng loạt quốc gia vùng Vịnh tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Hiện Qatar đang nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ về quân sự khi Ankara điều xe tăng và tăng binh sĩ sang Doha. Đây không phải là lực lượng sẽ bảo vệ Qatar trong tình huống bị tấn công nhưng chính quyền Ankara luôn rào trước về khả năng này.

Ngày 3/7, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus lại khẳng định rằng nước này không hề có ý định giảm lực lượng đang trú đóng tại Qatar dù trong bản yêu sách của nhóm 4 nước có yêu cầu Qatar loại ra sự hiện diện quân sự của Thổ.

Theo trang Sputnik của Nga, trong cuộc họp báo tại Ankara, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar đảm bảo an ninh không chỉ cho Qatar mà cho cả khu vực. Sự hiện diện của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được duy trì. Ý định muốn gắn sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar với cuộc khủng hoảng chính trị trong khu vực hiện nay là một điều sai lầm nặng nề”.

Không chỉ nhận được sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao nổ ra, Doha đã có ngay thỏa thuận mua vũ khí với Mỹ nhằm đảo bảo khả năng phòng thủ trong trường hợp xấu. Cùng với căn cứ quân sự Mỹ đang đặt tại Doha, rõ ràng khả năng một cuộc chiến tranh nổ ra là ít có khả năng.

Tuy nhiên, khả năng một cuộc bạo loạn hoàn toàn có thể diễn ra và điều này không thể khiến Qatar không lo lắng.

Ngoài việc chuẩn bị cho cuộc bạo loạn, ngày 5/7 cũng là thời điểm kết thúc yêu cầu thực hiện 13 điều kiện của các nước Arabia đối với Qatar nhằm tháo ngòi khủng hoảng sau khi đã được gia hạn 2 ngày.

Từ hôm 3/7, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã trao phản ứng chính thức của Doha đối với yêu sách trên cho phía Kuwait, nước đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng này.

Chưa biết nội dung cụ thể của câu trả lời mà Doha dành cho các nước Arabia như thế nào song phản ứng mới nhất từ phía Qatar đang thể hiện cho thấy, nước này đã lên kịch bản cho cuộc đảo chính mềm, mà điều đó cũng đồng nghĩa nói "Không" với yêu sách.

Trong khi đó, các nước Arabia đang ngày càng nhận được phản ứng kém tích cực từ các quốc gia trên thế giới mà đặc biệt nhất mới đây là Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa al-Khalifa khi nhấn mạnh tới đàm phán ngoại giao ở vùng Vịnh để giải quyết khủng hoảng. Đây là phản ứng mới bởi trước đó Nga chỉ bình luận đây là vấn đề của nội bộ các nước ở Trung Đông.

Đức cũng quan tâm tới tình hình ở vùng Vịnh, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Saudi al-Jubier và được nghe tuyên bố, các quốc gia vùng Vịnh sẽ "xem xét cẩn trọng" phản hồi của Qatar.

Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel tại Jeddah, Ngoại trưởng Saudi al-Jubier tuyên bố các quốc gia vùng Vịnh sẽ "xem xét cẩn trọng" phản hồi của Qatar.

Ngoại trưởng Đức Gabriel cũng sẽ đến thăm UAE, Qatar và Kuwait để kêu gọi "một cuộc đối thoại quan trọng" nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo Ngọc Dương

Báo Đất Việt