1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Putin chưa thể nguôi giận Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Trong bài viết với tựa đề “Putin vẫn chưa nguôi giận Thổ Nhĩ Kỳ” ngày 2/12, Le Monde nhận xét xung đột giữa Moskva và Ankara đã cản trở việc thành lập một liên minh rộng rãi chống IS.

Putin chưa thể nguôi giận Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Tổng thống Vladimir Putin thông qua biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/11. (Ảnh: AP)

Bên lề Hội nghị khí hậu quốc tế đang diễn ra tại Paris, căng thẳng giữa Moskva và Ankara do vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11 vẫn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ chặn đứng mọi tiến bộ về giải pháp với cuộc khủng hoảng Syria.

Hy vọng về một sự phối hợp giữa Nga với liên minh chống IS do Hoa Kỳ chỉ huy có nguy cơ rơi vào quên lãng, mặc cho các nỗ lực ngoại giao được Tổng thống Pháp tăng tốc hồi tuần qua tại cả Washington và Moskva. Những lời kêu gọi hòa dịu từ Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi đến ông Vladimir Putin và từ ông François Hollande đến người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan xem ra vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

Ông Putin vẫn nhất quyết từ chối cuộc gặp tay đôi bên lề hội nghị COP21 do ông Erdogan đề nghị. Tổng thống Nga còn nêu “lý do kỹ thuật” đối với việc ông đến Trung tâm Hội nghị Le Bourget trễ hai tiếng đồng hồ, việc ông vắng mặt trong tấm hình chụp chung 150 vị nguyên thủ trên thế giới, cũng như trong bữa ăn trưa cùng Tổng thống, Thủ tướng các nước. Ông Vladimir Putin còn tránh cả cái bắt tay xã giao với ông Erdogan, trong khi hai lãnh đạo thù địch là Thủ tướng Israel Benyamin Nétanyahou và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vẫn chìa tay cho nhau.

Trước báo chí, ông Putin một lần nữa lên án Thổ Nhĩ Kỳ thông đồng với lực lượng thánh chiến IS. Ông nêu rõ: “Chúng tôi nhận được những thông tin bổ sung, xác nhận dầu lửa của IS được đưa vào đất Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định bắn rơi máy bay là do ý định bảo vệ việc giao hàng này”.

“Dầu lửa của IS là trung tâm gây căng thẳng giữa Moskva và Ankara”, Le Figaro kết luận.

Đáp lại Tổng thống Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thách thức ông Putin phải chứng minh. Thậm chí ông Erdogan còn hứa hẹn sẽ “ rời chức vụ” nếu cáo buộc Ankara có quan hệ với IS được chứng minh rõ. Le Figaro cho rằng tuyên bố này khá khiêu khích, nếu tính đến các quan hệ kinh tế hiện nay giữa Thổ Nhĩ Kỳ với IS, với mạng lưới buôn lậu có từ thập niên 90 giữa Thổ, Iraq và Syria. Vũ khí, bông vải, lúa mì, dầu khí…rất nhiều món hàng được cho là vẫn được buôn lậu xuyên biên giới.

Các cuộc không kích của Mỹ chủ yếu nhắm vào các nhà máy lọc dầu, kho trữ và ống dẫn dầu để đánh vào túi tiền của IS. Sau vụ khủng bố Paris, oanh kích càng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là đánh vào các xe bồn chở dầu của IS đi sang “chợ dầu lửa” tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joe Dunford khẳng định ngày 1/12 rằng do oanh kích, thu nhập từ dầu lửa của IS đã bị sụt mất 43% trong vòng 30 ngày qua.

Quý Cao

(theo Le Monde và Le Figaro)