1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Putin chỉ cho đại biểu G20 thảo luận vấn đề Syria trong bữa tối

(Dân trí) - Biết rằng tình hình chiến sự tại Syria sẽ được chú ý đặc biệt, ngay trong diễn văn khai mạc, Tổng thống Nga Putin đã thông báo vấn đề Syria sẽ chỉ được bàn thảo chính thức trong tiệc tối. Trong khi đó lãnh đạo EU lên tiếng ủng hộ giải pháp chính trị.

Theo hãng tin AFP, với việc áp lực ngày càng gia tăng với các nước G20 trong việc phải đạt được tiến bộ vững chắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria tại hội nghị thượng đỉnh ở Saint Petersburg, Liên Hợp Quốc thông báo đặc phái viên Lakhdar Brahimi đang trên đường tới dự hội nghị để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng thống Nga (trái) tươi cười khi bắt tay Tổng thống Mỹ
Tổng thống Nga (trái) tươi cười khi bắt tay Tổng thống Mỹ

Trước đó, Tổng thống Mỹ Obama đã tới Saint Petersburg từ Thụy Điển sau khi vượt qua được rào cản đầu tiên trong việc đề nghị quốc hội đồng thuận về chiến dịch quân sự chống lại chính quyền Syria, nước bị nghi sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

Trong một động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng, cả Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin đều nở nụ cười trước ống kính máy quay khi bắt tay nhau trước giờ khai mạc.

Với tư cách chủ tịch của G20 năm nay, Tổng thống nước chủ nhà đã đọc diễn văn khai mạc với tuyên bố cuộc khủng hoảng Syria - vốn có nguy cơ bao trùm toàn bộ chương trình nghị sự - sẽ được thảo luận chính thức trong bữa tối.

“Một số đại biểu đã đề nghị tôi dành thời gian để thảo luận những vấn đề chính trị quốc tế rất đáng chú ý khác, cụ thể là tình hình tại Syria”, ông Putin phát biểu trong lễ khai mạc. “Tôi đề nghị chúng ta sẽ làm việc này trong bữa tối để chúng ta…ở phần đầu có thể thảo luận các vấn đề (kinh tế) vốn khiến chúng ta có mặt tại đây và là mấu chốt của G20”.

Một trợ lý của Obama cho biết ông sẽ tranh luận về hành động quân sự tại Syria và tìm hiểu xem hình thức “ủng hộ về chính trị và ngoại giao nào mà họ có thể bày tỏ, về các nỗ lực của chúng tôi trong việc khiến chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, các đồng mình của Syria tỏ ra kiên định trước sự hối thúc của ông Obama. Trong đó nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei gọi cáo buộc về vụ tấn công khí độc ngày 21/8 là “cái cớ” để tấn công Syria và cam kết ủng hộ Damascus “cho đến cùng”.

Ngoài việc phải thuyết phục Nga, ông Obama cũng sẽ gặp không ít khó khăn để thuyết phục các quốc gia khác, khi Trung Quốc - một thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc – đã bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” về các hành động tấn công quân sự đơn phương.

Phát biểu với các phóng viên tại G20, người phát ngôn phái đoàn Trung Quốc Qin Gang khẳng định: “Chiến tranh không thể giải quyết vấn đề tại Syria”.

Hai nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ủng hộ giải pháp chính trị
Hai nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ủng hộ giải pháp chính trị

Liên minh châu Âu ủng hộ giải pháp đối thoại

Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của EU là chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, trước giờ khai mạc G20 đã cùng tuyên bố ủng hộ giải pháp đối thoại tại Syria.

“Không thể có giải pháp quân sự cho xung đột tại Syria, chỉ có giải pháp chính trị có thể chấm dứt những cuộc thảm sát và sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền”, ông Van Rompuy khẳng định với các phóng viên không lâu sau khi Tổng thống Mỹ tới St. Petersburg.

Thông điệp này cũng được ông Jose Barroso đứng kế bên ủng hộ: “Tình hình hiện tại tiếp tục là vết đen trong lương tri của thế giới. Liên minh châu Âu tin tưởng rằng các nỗ lực nên xoay quanh việc tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột”.

Trước đó trong ngày thứ Năm, ông Van Rompuy từng nhận định chính quyền Syria có thể phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khí độc ở ngoại ô Damascus hôm 21/8, nhưng không cho rằng bằng chứng là rõ ràng.

“Thông tin từ nhiều nguồn khác nhau dường như cho thấy chính quyền Syria phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công”, ông Van Rompuy cho biết.

Hiện bản thân các nước EU cũng đang chia rẽ về việc sử dụng vũ lực tại Syria, trong đó hai trong số những nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Pháp và Đức lại đứng về hai phía đối lập. Pháp khẳng định sẵn sàng ủng hộ Mỹ và gia nhập hành động quân sự chống Syria, trong khi Đức đã bác bỏ khả năng tham gia một cuộc tấn công.

Thủ tướng Anh David Cameron ngay từ đầu đã ủng hộ ông Obama nhưng nghị viện nước này lại chỉ ủng hộ giải pháp ngoại giao.

Ông Van Rompuy cũng cho biết thêm rằng “cộng đồng quốc tế không thể khoanh tay đứng nhìn”, và Liên Hợp Quốc phải được sử dụng như một phương tiện để giải quyết khủng hoảng.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm