1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây dỡ bỏ trừng phạt Iran: Khó khăn còn ở phía trước

(Dân trí) - Việc phương Tây ngày 16/1 dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran sau khi IAEA xác nhận Tehran đã tuân thủ mọi điều kiện của thỏa thuận hạt nhân đánh dấu chiến thắng ngoại giao quan trọng của ông Obama trong gần hai nhiệm kỳ Tổng thống. Tuy nhiên, tiến trình bình thường hóa vẫn còn lắm chông gai.

 


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Javad Zarif trong một cuộc gặp tại Geneva tháng 1/2015. (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Javad Zarif trong một cuộc gặp tại Geneva tháng 1/2015. (Ảnh: AFP)

Từ thành công lịch sử

Kể từ khi đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015, chính quyền Iran đã chuyển 98% nhiên liệu hạt nhân sang Nga, phá bỏ hơn 12.000 máy ly tâm và loại bỏ khả năng tiếp tục làm giàu uranium. Tehran còn đổ bê tông vào lò phản ứng được thiết kế để sản xuất plutonium trước đó.

Tehran cũng đã trả tự do cho 5 tù nhân Mỹ, bao gồm phóng viên báo Washington Post Jason Rezaian, giúp Tổng thống Obama hóa giải lời cáo buộc “bỏ rơi” 5 người này từ phía đảng Cộng Hòa. Đổi lại, Mỹ cũng ân xá và hủy bỏ các cáo buộc chống lại 14 người (trong đó có 7 người Iran và 6 người mang hai quốc tịch) ra khỏi danh sách truy nã quốc tế.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Ban Ki Moon đánh giá: đây là “một cột mốc quan trọng”, còn Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini mô tả: “Thành tựu này cho thấy với quyết tâm chính trị và ngoại giao đa phương, chúng ta có thể xử lý được những vấn đề phức tạp nhất”.

Cố vấn của Tổng thống Obama David Axelrod nhấn mạnh: “Những sự kiện hôm nay đã chứng tỏ tầm quan trọng của ngoại giao”. Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Martin O’Malley gửi đến Đảng Cộng hòa thông điệp: “Ngoại giao hạ gục đánh bom hàng loạt”.

Còn Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định: việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran là “thành công lịch sử của ngoại giao”. Ông nhấn mạnh: “Chiến thắng này đem lại hy vọng rằng chúng ta có thể giải quyết được các khủng hoảng và xung đột trong khu vực, đặc biệt là cuộc nội chiến Syria”.

Người mừng, kẻ lo

Tổng thống Iran Hassan Rouhani mô tả “một chương mới” đã mở ra trong quan hệ giữa Tehran và thế giới. Ông nói: “Thỏa thuận hạt nhân là cơ hội mà chúng ta cần phải sử dụng để phát triển đất nước, cải thiện phúc lợi, tạo sự ổn định và an ninh trong khu vực”.

Một quan chức Mỹ cho biết trước mắt Tehran sẽ được tiếp cận 50 tỷ USD trong tổng số 100 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài. Nhiều khả năng Tehran sẽ dùng số tiền này thúc đẩy thương mại quốc tế, việc bán dầu và mua hàng hóa trên thị trường thế giới sẽ trở lại bình thường.

Theo các quy định mới, Mỹ sẽ không còn cấm vận các cá nhân, tổ chức nước ngoài mua dầu và khí đốt từ Iran. Washington sẽ cho phép các công ty kinh doanh hạn chế với Iran trên các mặt hàng thực phẩm, máy bay thương mại, phụ tùng...

Chính quyền Tehran sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang xuống cấp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Kho dự trữ dầu của Iran có khoảng 38 triệu thùng bắt đầu tham gia thị trường. Theo Commerzbank, Iran có thể tăng sản lượng khai thác dầu khoảng 500.000 thùng/ngày.

Với thị trường Iran gần 80 triệu dân cũng là cơ hội làm ăn lớn của các nhà đầu tư phương Tây. Iran đang có kế hoạch mua khoảng 400 máy bay thương mại, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghiệp dầu khí, đường sắt; nhập khẩu xe hơi, thực phẩm và các loại hàng hóa khác...

Nhưng trái với phản ứng tích cực của phương Tây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích Iran “không từ bỏ tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân, tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông và xuất khẩu khủng bố khắp thế giới”.

Saudi Arabia cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, còn những người phản đối ở Mỹ tiếp tục chỉ trích thỏa thuận này là quá nhân nhượng với Iran.

Khó khăn còn ở phía trước

Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày (17/1) Mỹ lại công bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo. Theo đó, 11 công ty và cá nhân liên quan tới vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Iran. Lệnh trừng phạt có mục đích ngăn các tổ chức và cá nhân này sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ.

Theo AFP, Mỹ và phương Tây tuyên bố vẫn tiếp tục áp lệnh trừng phạt Iran trên những vấn đề liên quan đến nhân quyền, khủng bố, vũ khí và công nghệ tên lửa đạn đạo thêm 5 đến 8 năm nữa, và họ cho rằng không hề vi phạm thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1.

Ngay lập tức, Iran đã phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, cho rằng động thái mới này là không hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Hossein Jaberi Ansari tuyên bố: “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran không chính đáng cả về mặt pháp luật và đạo đức”. Đồng thời khẳng định chương trình tên lửa của nước này không bao giờ được thiết kế có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Như vậy, trong một thế giới đầy biến động về an ninh, thì sự kiện ngày 16/1/2016 có ý nghĩa rất quan trọng phản ánh quan điểm mới về ngoại giao của “chủ nghĩa Obama”, quan điểm “thực dụng và đổi mới” của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, khiến cho xu thể chủ đạo của thế giới là “hòa bình và hợp tác” có thêm nguồn sức mạnh.

Tuy nhiên, theo giới phân tích với tham vọng tiếp tục “lãnh đạo thế giới” của cường quốc số một có sức mạnh quân sự “ít đối thủ” và chiến lược “Đại Trung Đông” vẫn được duy trì thì triển vọng vãn hồi hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Trung Đông vẫn còn đang ở phía trước.

Quang Huy