1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương Tây cần có cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố

Trang tin project-syndicate có bài phân tích cho rằng Phương Tây cần có cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố.

Phương Tây cần có cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố - 1

Cảnh sát và binh sỹ Bỉ gác tại thủ đô Brussels ngày 20/11 sau khi nước này nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Theo bài báo, các cuộc tấn công đẫm máu vừa qua ở Paris hay Beirut đã chỉ ra một điều rằng các nước Phương Tây không dự tính trước được hậu quả ngoài ý muốn của việc can thiệp quân sự vào Trung Đông, và dường như họ đang đi theo một chiến lược sai lầm.

Chắc chắn Phương Tây sẽ còn nhiều việc cần làm để giải quyết vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ có sự điều chỉnh mới trong chiến lược đối phó với IS thời gian tới hay không?

Rõ ràng, sự can thiệp của Phương Tây ở Trung Đông không phải là một hiện tượng mới. Ngoài các nước như Iran, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, các nước lớn khác ở Trung Đông được hình thành đều có bàn tay can thiệp của người Anh và người Pháp.

Sự can thiệp của Mỹ tại Afghanistan và Iraq kể từ năm 2001 chỉ là những nỗ lực gần đây nhất của các cường quốc Phương Tây nhằm định hình địa chính trị khu vực.

Phương Tây luôn can thiệp vào các nước thông qua việc đào tạo, hỗ trợ kinh phí, trang bị vũ khí cho các lược lượng được coi là "ôn hòa" để chiến đấu chống lại "lực lượng cấp tiến," và điều này được cho là phản tác dụng. Mặc dù đã có nhiều bằng chứng về vấn đề này, song các cường quốc Phương Tây vẫn không từ bỏ những cách tiếp cận có thể đe dọa đến an ninh nội địa của họ.

Trong khi Mỹ, quốc gia đi đầu trong liên minh chống IS, vẫn một mực cho rằng chiến lược đối phó IS hiện nay của họ đang đi đúng hướng, như lời phát biểu của Tổng thống Barack Obama hôm 16/11 trước báo giới ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng “chúng tôi có một chiến lược đúng đắn và đang tiếp tục chiến lược này,” thì Đức, đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), dường như cũng khó có thể giúp được gì nhiều trước lời kêu gọi “trợ giúp đặc biệt” từ Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Nhật báo Phố Wall (Mỹ) ngày 16/11 dẫn lời một nhân vật thân cận với Thủ tướng Angela Merkel nói rằng chính phủ Đức vẫn chưa tính tới việc tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào IS - một chiến dịch không có sự ủy thác của bất kỳ một nghị quyết nào của Liên hợp quốc.

Tại Trung Đông, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong liên minh chống IS cũng khó có thể gia tăng sự trợ giúp, trong bối cảnh đang bị kéo căng bởi các cuộc xung đột ở khu vực, và họ không có đủ thực lực để leo thang cuộc chiến chống IS.

Một số chính phủ - trong đó có Ai Cập, Liban và Israel - đã và đang phải đối phó với khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong nước, và với nguồn lực quân sự hạn chế, họ không thể tham gia một cuộc chiến mở rộng quy mô nhằm vào IS.

Trong khi đó, các chính phủ khác như tại Iraq, Syria và Iran thì đang bối rối với các bất đồng giáo phái đang chia rẽ Trung Đông.

Đối với các nền quân chủ Hồi giáo Sunni Arab vùng Vịnh - trong đó có Saudi Arabia và UAE - mối đe dọa từ IS không phải là lớn so với mối đe dọa từ Iran và các đồng minh Hồi giáo dòng Shi'ite của Tehran.

Theo nhận định của chuyên gia Abdulkhaleq Abdulla từ Dubai, vùng Vịnh bấy lâu đang bận rộn với "những người bạn" Yemen. Dù đồng minh Phương Tây có thể đề nghị Saudi Arabia và UAE tăng cường can dự quân sự chống IS, nhưng cuộc chiến tại Yemen vẫn là ưu tiên hàng đầu của hai quốc gia này.

Ông Abdulla nhận định: "Tại Yemen, họ có một công việc cần phải hoàn thành. Họ phải cân nhắc các lựa chọn trong bối cảnh có rất nhiều bạo lực khắp khu vực. Tại thời điểm này, họ cần phải trước hết tập trung vào vấn đề Yemen."

Chỉ cần để ý một chút sẽ thấy các hoạt động can thiệp quân sự của Phương Tây trong thế kỷ này đã gây ra những hậu quả khôn lường, chúng lan tràn qua các nước khác và cuối cùng Phương Tây lại phải tiếp tục tiến hành thêm các cuộc can thiệp khác nữa.

Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thừa nhận chiến lược của Mỹ ở Iraq trước đây là sai lầm: "Chúng tôi đã huấn luyện họ, chúng tôi trang bị cho họ, chúng tôi tài trợ cho họ, trong đó có ai đó tên là Osama bin Laden. Và điều này đã không không đem lại hiệu quả cho chúng tôi."

Điều này chẳng khác gì tình hình cuối thế kỷ XX. Trong những năm 1980, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ - với sự hậu thuẫn tài chính từ Saudi Arabia - đã đào tạo hàng nghìn phần tử cực đoan Hồi giáo để chiến đấu chống lại Liên Xô tại Afghanistan. Kết quả là al-Qaeda quay trở lại tấn công Mỹ khi nước này can thiệp quân sự vào Afghanistan và Iraq.

Còn Pháp, quốc gia cũng đã viện trợ cho quân nổi dậy Syria, và gần đây bắt đầu tiến hành các cuộc không kích vào lực lượng IS. Và đó chính là lý do tại sao Pháp trở thành mục tiêu tấn công của IS.

Theo các nhân chứng, những kẻ tấn công Nhà hát Bataclan ở Paris và giết hại hầu hết các nạn nhân ở đây đã tuyên bố rằng hành động của chúng nhằm trả thù việc Tổng thống François Hollande đã quyết định thực hiện các cuộc không kích vào Syria.

Nga, mặc dù đang theo đuổi chiến dịch quân sự một cách độc lập với các cường quốc Phương Tây, rõ ràng cũng đã trở thành mục tiêu tấn công của IS.

Các quan chức Mỹ và châu Âu ngày càng tin rằng IS đứng sau vụ tai nạn máy bay Nga tại Bán đảo Sinai vào tháng 10 vừa qua.

Sự việc này, cùng với các cuộc tấn công ở Paris, Beirut có thể sẽ thúc đẩy sự can thiệp quân sự từ nước ngoài vào Syria và Iraq, qua đó có thể đẩy nhanh những hậu quả khó lường khác nảy sinh từ các cuộc can thiệp quân sự này. Từ đó, Pháp, Mỹ và các cường quốc khác sẽ lại buộc phải thiết lập những chính sách mới.

Điều cần thiết lúc này là phải có một cách tiếp cận phù hợp hơn để tránh những bài học sai lầm gần đây.

Trước hết, các nhà lãnh đạo Phương Tây nên tránh các hành động có thể làm thổi bùng lên ngọn lửa khủng bố. Họ nên vận dụng phương châm của Margaret Thatcher để đối phó với khủng bố, đó là loại bỏ nguồn ôxy mà khủng bố có thể tồn tại, tức là xóa bỏ các điều kiện mà khủng bố có thể phát sinh và phát triển.

Quan trọng hơn, họ nên nhận ra rằng cuộc chiến chống khủng bố không thể dựa vào việc tài trợ cho các các tay súng Hồi giáo hoặc tài trợ cho những người đứng đầu các lực lượng này, vì điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vụ khủng bố ở Paris hoặc tình hình không thể kiểm soát được như ở Syria chính là những ví dụ điển hình.

Giới chuyên gia cho rằng dù các cuộc tấn công khủng bố mới nhất của IS có thể là cái cớ để Mỹ và các đồng minh tập hợp thêm được lực lượng và các thực lực quân sự đối phó với IS, song điều này sẽ không dễ dàng khi xét tới thực tế là chiến dịch không kích của Mỹ và liên quân không dựa trên một nghị quyết cụ thể nào của Liên hợp quốc, và đây cũng là một trong những lý do mà một số nước lớn tại châu Âu - trong đó có Đức - không tham gia chiến dịch không kích.

Một số chuyên gia Đức nhận định trên Nhật báo phố Wall rằng nếu như có một nỗ lực chung dưới cái ô bảo trợ của Liên hợp quốc, trong đó có sự tham gia của Nga và các nước Phương Tây khác, Đức sẽ có những đóng góp đáng kể cho liên minh quốc tế này.

Tất nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra chừng nào Mỹ và Nga thu hẹp được những bất đồng trong nhận thức về cuộc khủng hoảng tại Syria hiện nay, và "đoàn kết trong cuộc chiến chống IS" như lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Francois Hollande trong bài phát biểu trước quốc hội ngày 16/11.

Vẫn chưa quá muộn để các cường quốc Phương Tây xem xét lại những bài học sai lầm trong quá khứ và điều chỉnh các chính sách chống khủng bố của họ cho phù hợp./.

Theo (Vietnam+)

Phương Tây cần có cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống khủng bố - 2