1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến chống khủng bố: Cần sự liên kết toàn cầu

Đánh bom máy bay Nga, thảm sát tại Pháp, bắt cóc con tin ở Mali... có lẽ chưa khi nào thế giới lại trở nên bất an như vậy trước sự manh động của các nhóm khủng bố, trong đó đáng chú ý nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bằng các cuộc tấn công có tổ chức gây tổn thất lớn, IS ngày càng lộ rõ âm mưu bành trướng và vươn xa hơn mục tiêu thành lập một vương quốc Hồi giáo. Điều này đặt ra cho các nhà lãnh đạo thế giới nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi huy động không chỉ vật chất, ý chí mà trên hết là sự liên kết toàn cầu.

Cuộc chiến chống khủng bố: Cần sự liên kết toàn cầu - 1

Máy bay chiến đấu Pháp chuẩn bị không kích vào các mục tiêu của IS tại Syria sau vụ khủng bố kinh hoàng tại Paris ngày 13-11.

Có nhiều nguyên nhân khiến IS và các nhóm khủng bố trở nên điên cuồng hơn trong thời gian gần đây. Thứ nhất là do Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria. Các chiến dịch của quân đội Nga ở quốc gia Trung Đông này đã khiến IS bị đánh bật khỏi nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng. Trong khi đó, chiến sự tại những vùng mà IS chiếm được tại Iraq và Syria đang có dấu hiệu "bão hòa" và IS cũng không có nhiều lãnh thổ để hoành hành như trước.

Điều này đã khiến chúng quyết định dành thời gian, công sức và các nguồn lực để hoạt động ở bên ngoài. Nguyên nhân thứ hai, như cựu Cố vấn An ninh quốc gia Iraq Muwaffak Al-Rubaie phân tích: "IS bành trướng như ngày hôm nay là do phản ứng chậm chạp của phương Tây". Ngay từ khi IS nổi lên ở Syria và Iraq, nhiều cảnh báo đã được đưa ra về mức độ tàn bạo, liều lĩnh của tổ chức này. Tuy nhiên, các chiến dịch mà Mỹ và các nước đồng minh thực hiện để truy quét thành viên IS suốt thời gian dài không thật sự hiệu quả.

Trong khi đó, sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia đã tạo điều kiện cho nhóm khủng bố khét tiếng này mở rộng địa bàn hoạt động, đơn cử như khả năng hạn chế trong việc giám sát hoạt động của dòng người nhập cư vào Châu Âu, sự yếu kém của công tác tình báo và sự chia rẽ giữa Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) với Nga, nhất là sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây kéo dài từ tháng 3-2014 không chỉ gây ra những ảnh hưởng về kinh tế mà còn cản trở hợp tác giữa họ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Hàng loạt vụ tấn công tại Paris đã chỉ rõ hơn những lỗ hổng trong hệ thống an ninh của các nước tham gia cuộc chiến chống khủng bố - điều có thể dẫn đến một số hệ lụy khó lường mà thảm họa ngày 13-11 vừa qua chỉ là "điểm khởi đầu", đặt dấu mốc cho thời kỳ mở rộng phạm vi hoạt động của IS ra khỏi khu vực Trung Đông, Bắc Phi.

Ngày 21-11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua dự thảo nghị quyết do Pháp đề xuất, theo đó kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trên cơ sở luật pháp quốc tế để tiêu diệt IS trên vùng lãnh thổ chúng đang chiếm đóng tại Syria và Iraq.

Bản dự thảo nghị quyết do Pháp đề xuất đã không vấp phải một sự phản đối nào từ 5 nước thành viên Thường trực HĐBA LHQ. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy "cái bắt tay" của các cường quốc trước mối đe dọa chưa từng có ở quy mô toàn cầu đối với an ninh và hòa bình quốc tế, ít nhất là về mặt tinh thần.

Tuy nhiên, điều mà thế giới cần trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay là những hành động thực tế. Hiện tại, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra nghi ngại về khả năng hợp tác thực sự giữa các quốc gia, nhất là giữa Mỹ, EU với Nga.

Cho đến thời điểm này, nhiều toan tính khác nhau của các bên liên quan trên bàn cờ địa chính trị thế giới được cho là chi phối không nhỏ tới hiệu quả của cuộc chiến chống khủng bố. Giờ đây, dưới áp lực của nhu cầu hàn gắn những lỗ hổng an ninh cũng như để đối phó với tính chất xuyên biên giới của các lực lượng cực đoan, cộng đồng quốc tế kỳ vọng các cường quốc sẽ gác lại bất đồng vì mục tiêu hòa bình, ổn định chung trên toàn thế giới.

Theo Lâm Phương

Hà Nội mới

Cuộc chiến chống khủng bố: Cần sự liên kết toàn cầu - 2