1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phớt lờ FBI, ông Trump tung bản ghi nhớ mật

Ngày 2-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh của đảng Cộng hòa tại quốc hội đã leo thang chiến dịch chống lại các cơ quan thi hành pháp luật liên quan đến cuộc điều tra về mối liên hệ giữa ông Trump và Nga.

Cụ thể, ông Trump phớt lờ yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang (FBI) và thông qua việc công bố một bản ghi nhớ gây tranh cãi, khiến mâu thuẫn giữa ông chủ Nhà Trắng và các quan chức hàng đầu FBI ngày càng nghiêm trọng.

Tài liệu từng được xếp vào loại tuyệt mật trên, được viết bởi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes, cáo buộc rằng các cuộc điều tra liên bang về nghi án chiến dịch tranh cử 2016 của ông Trump thông đồng với Nga là sản phẩm của sự thiên vị chính trị chống lại ông Trump tại FBI và Bộ Tư pháp.

Bản ghi nhớ cáo buộc FBI che giấu các quan hệ giữa đảng Dân chủ và một nguồn mà họ sử dụng để biện minh cho việc giám sát một cựu cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump bị xem là có quan hệ với Nga Ngoài ra, nó còn liệt kê một danh sách các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp, trong đó có Thứ trưởng Rod Rosenstein, cho phép FBI làm thế.

"Tôi nghĩ rằng những gì đang xảy ra trong nước ta là một điều ô nhục. Nhiều người nên cảm thấy xấu hổ về bản thân mình" - ông Trump nói khi được hỏi về bản ghi nhớ.


Bản ghi nhớ được ông Trump công bố ngày 2-2. Ảnh: Reuters

Bản ghi nhớ được ông Trump công bố ngày 2-2. Ảnh: Reuters

Tài liệu trên tập trung vào sự giám sát được tòa án chấp thuận đối với cựu trợ lý chiến dịch của ông Trump, ông Carter Page, và cáo buộc FBI để một người có thành kiến với ông Trump, cựu điệp viên Anh Christopher Steele, biện hộ cho hành động này. Theo bản ghi nhớ, ông Steele đã bày tỏ rằng không muốn ông Trump trở thành tổng thống.

Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ cho biết bản ghi nhớ dài 4 trang được sử dụng với mục đích phá hoại cuộc điều tra về vấn đề Nga của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Họ cảnh báo ông Trump không được dùng nó làm cớ sa thải ông Mueller và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rosenstein, người bổ nhiệm ông Mueller và giám sát cuộc điều tra.

Nếu ông Rosenstein bị sa thải, điều này sẽ tạo ra một cơn bão lửa chính trị tương tự như khi giám đốc FBI James Comey bị đuổi năm 2017. Nhiều giờ sau khi ông Trump phát biểu, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ chưa có cuộc thảo luận hay cân nhắc nào về sự ra đi của ông Rosenstein.

Theo Bảo Hạnh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm