1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hồ sơ mật FISA kích động cuộc chiến nảy lửa giữa Donald Trump và FBI

Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo việc công khai bộ hồ sơ này là hành động “liều lĩnh” và có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.


Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes - quan chức thân cận  của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Crooks and Liars.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes - quan chức thân cận  của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Crooks and Liars.

Ngày 31/1, chính giới Mỹ xôn xao về một tài liệu mật do Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes - quan chức thân cận của Tổng thống Donald Trump tiết lộ, trong đó cáo buộc Bộ Tư pháp và Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ lạm dụng các quy định để theo dõi chiến dịch tranh cử của ông Trump. Những tranh cãi liên quan đến việc công bố tài liệu bí mật này đã châm ngòi cho một “cuộc chiến nảy lửa” giữa chính quyền Donald Trump với các nghị sỹ Dân chủ và FBI.

Hồ sơ mật FISA chứa đựng những gì?

Trong hồ sơ dài 4 trang này, Chủ tịch Devin Nunes cáo buộc Bộ Tư pháp và FBI đã lạm dụng Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA) để điều tra và tìm kiếm lệnh bắt giữ đối với ông Carter Page - cựu cố vấn về chính sách ngoại giao trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump do nghi ngờ ông này cấu kết với Nga. Tài liệu cũng cho rằng, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và Phó giám đốc FBI Andrew McCabe – vốn được cho là có thành kiến đối với Tổng thống Trump, đã cố tình bóp méo sự thật khi yêu cầu các nhân viên của mình chỉnh sửa các báo cáo về cuộc phỏng vấn của họ với các nhân chứng.

Hồ sơ cũng tập trung vào việc ông Rod Rosenstein đã quyết định gia hạn lệnh giám sát đối với Carter Page vào năm 2017. Theo tờ New York Times, ông Rosenstein đã không giải thích đầy đủ cho tòa án một số thông tin sử dụng trong đơn xin phê chuẩn lệnh giám sát ông Carter Page là căn cứ vào một hồ sơ khác cũng điều tra việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, do Christopher Steele - cựu nhân viên tình báo của Cục Tình Báo MI6 của Anh viết ra. Có nhiều nghi ngờ rằng cuộc điều tra của Christopher Steele nhằm đưa ra cáo buộc bất lợi đối với đội ngũ tranh cử của ông Trump, đã được Ủy ban Dân chủ quốc gia (DNC) và cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton tài trợ. Steele là một nhà hoạt động chính trị gây tranh cãi vốn có quan hệ thân cận với gia đình Clinton trong những năm 1990.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện tháng 11/2017, ông Carter Page tự nhận đã gặp các quan chức của Nga trong chuyến thăm Moscow vào tháng 7 năm 2016 khi còn giữ vai trò cố vấn trong đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump. Tuy nhiên ông Carter Page khẳng định, đây chỉ là một chuyến thăm “lành mạnh” với tư cách cá nhân.

Việc công bố hồ sơ mật FISA đã được Ủy ban tình báo Hạ viện bỏ phiếu thông qua và được trình lên Tổng thống. Theo một quan chức trong chính quyền, hồ sơ này dự kiến được công bố vào hôm 1/2 (theo giờ Mỹ).

Hồ sơ FISA có lợi cho Tổng thống Donald Trump

Theo các nhà phân tích, nếu hồ sơ mật FISA được công khai, nhiều khả năng một số nhân vật cấp cao tham gia điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ sẽ bị điều tra, đồng thời giải oan cho Tổng thống Donald Trump về nghi án “đi đêm” với Nga.

Tổng thống Donald Trump- người vô cùng bất mãn trước cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ cho biết, ông sẽ ủng hộ 100% việc công bố hồ sơ mật FISA. Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Twitter, ông nhấn mạnh danh tiếng của FBI đã “bị vỡ vụn”.

Theo các quan chức và cố vấn trong chính phủ Mỹ, Tổng thống Donald Trump sẽ xem đây là chìa khóa để cải cách hoạt động của Bộ Tư pháp và FBI, đặc biệt là hạ bệ ông Rod Rosenstein, người giám sát cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Ông Ryan Goodman- cựu cố vấn đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đồng thời là Tổng biên tập tạp chí An ninh Quốc gia Just Security nhận định: “Việc công bố hồ sơ FISA cũng như những ý kiến xung quanh hồ sơ này sẽ giúp tổng thống Donald Trump có quyền lực đặc biệt để giám sát hoạt động của FBI. Mục tiêu cuối cùng là chấm dứt cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ do cố vấn đặc biệt Robert Mueller phụ trách và Tổng thống Donald Trump cũng không phải thấp thỏm lo ngại về sự hiện diện của Rod Rosenstein.”

Hiện nay, các nghị sỹ Cộng hòa đang vận động cho hồ sơ mật được công bố rộng rãi. Hãng tin Fox News dẫn lời nghị sỹ Đảng Cộng hòa Matt Gaetz cho biết, căn cứ vào những thông tin trong hồ sơ thì nhiều quan chức cấp cao có thể bị bắt giữ. “Tôi cho rằng vụ việc sẽ không kết thúc chỉ bằng những cuộc tranh cãi”, ông nói.

Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mark Meadows khẳng định: “Tôi đã đọc hồ sơ từ Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ liên quan đến FBI, việc lạm dụng đạo luật FISA. Những gì tôi thấy thực sự bất ngờ. Hồ sơ này cần được công bố ngay lập tức và người dân Mỹ cần phải biết được sự thật.”

Ngay sau cuộc bỏ phiếu của Ủy ban tình báo Hạ viện, một số nguồn tin cho biết một cuộc điều tra đối với FBI và Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu được tiến hành.

Phản ứng của các nghị sỹ Dân chủ, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ

Các nghị sĩ đảng Dân chủ cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cố tình dựng chuyện để đánh lạc hướng cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ mà ông Trump cho là “cuộc săn phù thủy chính trị.”

Ông Adam B. Schiff, nghị sỹ Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Hạ viện cho rằng các thành viên đảng Cộng hòa đang “chọn lọc thông tin cũng như cố ý gây hiểu nhầm để bảo vệ Tổng thống Donald Trump bằng mọi giá.”

FBI hôm 31/1 ra tuyên bố nhấn mạnh, tài liệu của ông Devin Nunes về cuộc điều tra quan hệ “Trump-Nga” của FBI là không chính xác và gây hiểu nhầm. Tuyên bố nhấn mạnh: “FBI có rất ít cơ hội để xem xét biên bản này trước phiên bỏ phiếu của Ủy ban Tình báo Hạ viện. Như đã trình bày trong bản đánh giá đầu tiên, chúng tôi cực kỳ lo ngại về những sai lầm và việc thiếu sót dẫn chứng xác thực cũng như tính chính xác của bản ghi nhớ này.”

Tuyên bố nêu rõ: “FBI nghiêm chỉnh chấp hành Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài và tuân thủ các quy trình do các chuyên gia FBI và Bộ Tư Pháp đề ra. Chúng tôi cam kết hợp tác với các cơ quan liên quan để bảo đảm tính liêm chính của quy trình FISA.”

Trước đó, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein và Phó giám đốc FBI Andrew McCabe đã có cuộc gặp Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump không công bố tài liệu mật nói trên. Tờ Washington Post cho rằng đây là một phần trong chiến dịch vận động hành lang vào phút chót để khiến Nhà Trắng phải xem xét lại bản ghi nhớ FISA.

Các quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ cũng cảnh báo ông John Kelly về việc công khai bộ hồ sơ này, cho rằng đây là hành động “liều lĩnh” và có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia./.

Theo Hồng Anh

VOV