1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phóng xạ Nhật liệu có ảnh hưởng lớn tới các nước khác?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia khi các lõi lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I vẫn bình an, thì không có nguy cơ bị nhiễm xạ nghiêm trọng bên ngoài nước Nhật.

 

Phóng xạ Nhật liệu có ảnh hưởng lớn tới các nước khác? - 1
Giới chức trách kiểm tra phóng xạ ở người dân được sơ tán tại thành phố Koriyama, Fukushima, hôm nay 16/3.

 

Hiện tại ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chỉ gói gọn trong bán kính 20km từ nhà máy.

 

Các chuyên gia cho rằng điều trên sẽ thay đổi chỉ khi một trong lõi hạt nhân trong các lò phản ứng bị tan chảy, có thể đẩy các cột khói bụi phóng xạ ra ngoài bờ biển. Những nước bị ảnh hưởng khi đó sẽ nằm quanh vùng Bắc Thái Bình Dương, gồm Nga, Trung Quốc, Canada và Mỹ.

Tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng khoảng cách đại dương rộng lớn giữa Nhật và Mỹ  cũng như khoảng cách hàng ngàn dặm với nhà máy bị ảnh hưởng sẽ khiến nước này ít có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi phóng xạ.

“Phóng xạ bị loãng dần khi vượt qua mỗi km biển”, Peter Caracappa, quan chức về an toàn hạt nhân tại trường đại học Bách khoa  Rensselaer ở New York cho hay.

Còn theo Steven Reese, giám đốc Trung tâm phóng xạ tại bang Oregon, phóng xạ cesium và iodine có thể kết hợp với muối trong nước biển trở thành sodium iodide và cesium chloride, là những nhân tố thường thấy và sẽ nhanh chóng loãng đi trước sự rộng lớn của Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia Australia cũng nhận định, do có sự khác biệt giữa các hệ thống thời tiết ở bắc và nam bán cầu nên Australia chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng. Không khí nhiễm phóng xạ sẽ rất khó có thể vượt qua được đường xích đạo.

 

Khuyến cáo về đi lại mới nhất của Bộ Ngoại giao và du lịch Australia (DFAT)cho biết người Australia ở bên ngoài các vùng bị ảnh hưởng tại Nhật “rất ít khả năng bị nhiễm xạ và nguy hại về sức khỏe là không đáng kể”.

 

Công dân Australia tại Nhật được DFAT cảnh báo không vào vùng cách ly bán kính 20-30km tính từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I và tỉnh ở Miyagi ở bờ biển đông Nhật Bản.

 

Phóng xạ Nhật liệu có ảnh hưởng lớn tới các nước khác? - 2
Khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất hiện chỉ gói gọn trong vùng sơ tán, bán kính từ 20-30km từ nhà máy Fukushima I.
 
Trong thông báo mới nhất của Chánh văn phòng Nội các Nhật Edano, ông cũng khẳng định phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I không gây nguy hiểm tức thời đối với sức khỏe người dân ở bên ngoài vùng sơ tán. Giới chức trách Nhật đã đưa hàng chục ngàn người ra khỏi bán kính 20km tính từ nhà máy.

 

Mức phóng xạ tại nhà máy nằm cách đông bắc Toko 250km này đã tăng mạnh vào sáng sớm nay, khiến nhân viên phải rút khỏi nhà máy trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, mức phóng xạ sau đó đã hạ và theo ông Edano, phóng xạ gần cổng chính vào 4h chiều 16/3 (7hGMT) đang ổn định ở mức 1,5 millisieverts.

Gió trong khu vực hiện đang thổi về phía biển, do ảnh hưởng của bão tuyết. Và giám đốc Trung tâm phóng xạ tại bang Oregon, Reese, cho hay gió sẽ thổi nhanh hơn ra biển ít nhất là cho tới hết ngày hôm nay 16/3.

Song dự báo thời tiết lại đưa ra những thông tin ít lạc quan đối với những người sống trong khu vực và ở những nước lân cận với Nhật, ví dụ như Nga.

 

Cơ quan khí tượng thế giới (WMO) đã kích hoạt cơ chế được gọi là cơ chế phản ứng khẩn cấp với môi trường vào hôm thứ bảy vừa qua, với ba trung tâm tại Beijing, Tokyo và Obninsk, Nga, của cơ quan này theo dõi sát tình hình thời tiết.

 

Thảm họa hạt nhân tại Chernobyl năm 1986 đã phóng ra bụi hạt nhân tỏa khắp nhiều vùng của Ukraine, Nga và Belarus, và thậm chí tới tận Ireland, cách đó 1.600km.

 

Tuy nhiên, cho tới nay, tại vùng Viễn Đông Nga, cơ quan khí tượng ở Vladivostok, cách tây Fukushima chưa đầy 1.000km, cho hay lượng phóng xạ vẫn ở trong mức giới hạn bình thường.

 
Phan Anh
Tổng hợp