1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều nước châu Á bắt đầu phòng ngừa phóng xạ từ Nhật

(Dân trí) - Các nước láng giềng của Nhật Bản và trong khu vực đã bắt đầu áp dụng các biện pháp ngừa phóng xạ, đặc biệt là tăng cường giám sát phóng xạ trong các chuyến hàng đến từ Nhật Bản, nhưng cũng cho biết họ chưa phát hiện bất kỳ ảnh hưởng nào.

 
Nhiều nước châu Á bắt đầu phòng ngừa phóng xạ từ Nhật - 1




Chưa phát hiện thực phẩm từ Nhật Bản bị nhiễm xạ

Tổng cục Hải quan, Kiểm tra và Giám sát chất lượng Trung Quốc hôm nay đã chính thức yêu cầu kiểm tra phóng xạ để phát hiện những hàng hóa có khả năng bị nhiễm phóng xạ rò rỉ từ các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại sau động đất/sóng thần ở Nhật Bản. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản với kim ngạch buôn bán hai chiều năm ngoái đạt 300 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước đó.

Đài Loan (Trung Quốc) – hòn đảo nằm phía tây nam Nhật Bản cũng đã bắt đầu kiểm tra chất lượng lương thực nhập từ khu vực Fukushima, nơi có hai nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản.

Hãng tin Xinhua của Trung Quốc dẫn lời các nhà khí tượng học nước này hôm nay cho biết mưa và tuyết dự báo rơi xuống miền bắc Nhật Bản sẽ giúp ngăn chặn mọi sự phát tán phóng xạ. Đến 10 giờ sáng 15/3, hệ thống quan trắc phóng xạ của Trung Quốc vẫn cho thấy không có dấu hiệu bất thường về mức độ nhiễm phóng xạ ở nước này.

Ngoài Trung Quốc, vùng Viễn Đông của Nga và Bán đảo Triều Tiên là hai khu vực láng giềng gần nhất của Nhật Bản. Bộ Khẩn cấp Nga hôm qua loan báo họ không phát hiện mức độ phóng xạ tăng.

Theo Bộ Lương-Nông-Lâm-Ngư nghiệp Hàn Quốc, bắt đầu từ hồi đầu tuần, các cơ quan chức năng bắt đầu kiểm tra tất cả các sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm và đồ biển nhập khẩu từ Nhật Bản. Khoảng 50 tấn thực phẩm chế biến từ động vật đã được kiểm tra, nhưng không phát hiện có dấu hiệu nhiễm xạ. Hàn Quốc cho biết đang thảo luận xem liệu có nên đưa công cụ rà soát hành khách đến từ Nhật Bản xem có bị nhiễm chất phóng xạ hay không.

Xa hơn, Singapore, Ấn Độ, Philippines cũng đã tăng cường hoạt động kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Các quan chức sân bay Malaysia cũng đã kiểm tra hành khách và hàng hóa từ Nhật.

Ông Pipat Yingseree, Tổng thư ký Cơ quản quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan, hôm qua nói: “Ngày mai, chúng tôi sẽ bắt đầu lấy mẫu thực phẩm ngẫu nhiên từ Nhật Bản gửi qua đường hàng không. Chúng tôi sẽ tìm hiểu thông tin trước xem liệu có thể xảy ra nguy cơ gì trong tương lai mà chúng tôi chưa được biết. Có thể chúng tôi sẽ kiểm tra các mặt hàng rau quả, trái cây, ngũ cốc hay hải sản đông lạnh là chính và những thực phẩm được gửi đi từ Nhật Bản từ ngày 15/3”. Theo ông Pipat Yingseree, việc ăn phải thức ăn nhiễm chất phóng xạ cũng giống như bị nhiễm phóng xạ trực tiếp từ thảm hoạ Chernobyl trước đây vì chất phóng xạ từ thực phẩm sẽ ở lại trong cơ thể, gây ra rối loạn gene và có thể gây ung thư.

Một số hãng máy bay của Trung Quốc đại lục và Đài Loan đã hủy bỏ chuyến bay đến Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, ông Vương Hữu Tấn, cũng khẳng định với báo Thanh Niên là chưa phát hiện ô nhiễm phóng xạ tại Việt Nam. Được biết, Viện Năng lượng Nguyên tử đã yêu cầu Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Hà Nội tiến hành đo mức độ phóng xạ trong môi trường sau khi xảy ra vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản sáng hôm qua.

Hà Khoa
Tổng hợp