1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phòng thủ và câu giờ: Chiến lược Ukraine mới của Nga?

Thanh Thành

(Dân trí) - Bằng cách cầm cự đủ lâu để gây thương vong nặng nề cho Ukraine, Nga hy vọng có thể sẽ "câu giờ" để phá trận địa, nhằm duy trì thế phòng thủ trong thời gian dài, theo National Interest.

Phòng thủ và câu giờ: Chiến lược Ukraine mới của Nga? - 1

Các phương tiện quân sự của Nga ở Ukraine (Ảnh: EPA).

Sau thời gian dài lên kế hoạch kỹ lưỡng, vào tháng 6/2023, quân đội Ukraine đã phát động cuộc phản công lớn, tập trung phần lớn lực lượng tiến đánh Donetsk và Zaporizhzhia. Khác với những cuộc phản công vào năm 2022, lần này Nga đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Nhưng cuộc đối đầu lần này của Ukraine với quân đội Nga có một điểm khác biệt đáng kể so với các cuộc giao tranh ban đầu: Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng.

Ngược dòng thời gian vào tháng 2/2022, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga đã vạch ra một kế hoạch chiến lược và khả thi để chống lại các động thái tấn công của Ukraine. Nhưng các cuộc phản công của Ukraine cũng đã gây bất ngờ cho Nga, khiến Moscow phải rút lui khỏi một số khu vực. 

Đến tháng 11/2022, Nga đã xây dựng một tuyến phòng thủ rộng khắp chạy qua lãnh thổ mà họ kiểm soát ở miền nam và miền đông Ukraine. Theo tình báo Anh, hành lang phòng thủ này bao gồm các lớp chiến hào, dây thép gai, gờ đất, răng rồng và chướng ngại vật hình kim tự tháp cắt cụt. Tổng diện tích các bãi mìn chống quân và chống tăng của Nga gần tương đương với diện tích toàn bộ bang Florida của Mỹ.

Theo National Interest, trước những tình huống này, giới phân tích quân sự đã phải xem xét chương trình nghị sự chiến lược đằng sau quyết định của Nga: đầu tư rất nhiều nguồn lực vào một trong những hệ thống công sự phòng thủ rộng lớn nhất trên thế giới.

Giống các tuyến phòng thủ khác, mục tiêu chính của hệ thống này đơn giản là cản trở bước tiến của Ukraine và giúp Nga duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đang nắm giữ.

Tuy nhiên, xem xét quy mô khổng lồ của các công sự và chiến sự dọc theo tiền tuyến kéo dài gần 1000 km đang diễn ra, rõ ràng là việc duy trì quyền kiểm soát trên tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng có thể là thách thức lớn đối với Nga. Vì lý do này, Moscow có thể chọn chiến lược phòng thủ để cho quân đội của mình có thời gian và không gian để ưu tiên các mục tiêu quan trọng hơn trong năm tới.

Khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công trên khắp các mặt trận phía nam và phía đông, ưu tiên hàng đầu của Nga là bảo vệ các vị trí chiến lược của mình ở tỉnh Zaporizhzhia. Để cung cấp đạn dược và quân tiếp viện cho mặt trận Kherson-Crimea, Moscow sẽ phải dựa vào các chuyến tàu, máy bay vận tải hoặc đoàn xe qua cầu Kerch nhưng các phương tiện này đều dễ bị hỏa lực của đối phương tấn công.

Vào tháng 4/2022, Ukraine đã cho thấy khả năng tấn công chống lại Hạm đội Biển Đen của Nga bằng cách triển khai tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune cận âm, dẫn đến việc soái hạm Moscow của Hải quân Nga bị chìm.

Với tên lửa Neptune có tầm hoạt động gần 274km và việc nước này liên tiếp triển khai máy bay không người lái (UAV) tấn công cây cầu Kerch huyết mạch trên bộ nối bán đảo Crimea và lục địa Nga, không có tuyến đường bộ trực tiếp nào giữa Donetsk và Crimea trở nên an toàn. Vì vậy, nỗ lực tiếp tế của Nga cho các lực lượng trong khu vực Kherson-Crimea sẽ gặp nhiều thách thức.

Mục tiêu chính khác của lực lượng phòng thủ Nga có thể là ngăn chặn lực lượng Ukraine vượt sông Dnieper, đặc biệt là ở vùng đồng bằng hẹp, nơi nó đi vào Biển Đen. Với dòng chảy và độ sâu hiếm có, sông Dnieper có thể đóng vai trò như "con hào tự nhiên", mang lại lợi thế cho quân đội Nga cho mục đích phòng thủ. Việc giữ vững rào cản tự nhiên này là vô cùng quan trọng.

Nếu các lực lượng Ukraine có thể vượt qua con sông và tiến vào Kherson, họ sẽ thu hẹp được "vùng đệm" giữa Crimea và Ukraine, khiến bán đảo Crimea đứng trước nguy cơ bị pháo kích hoặc tấn công trên bộ. Sau bước tiến ngày càng tăng gần đây của lực lượng Ukraine về phía bờ nam Kherson, tầm quan trọng chiến lược của khu vực này đã tăng lên.

Vì vậy, bất kỳ bước tiến nào nữa theo hướng này có thể mang lại cho Ukraine lợi thế chiến thuật trong việc thiết lập một mặt trận ổn định dọc theo bờ nam sông Dnieper. Do đó, việc giành lại vùng lãnh thổ này, hoặc ít nhất là giảm quy mô kiểm soát của Ukraine, có thể trở thành mục tiêu tối cao của quân đội Nga.

Mục tiêu của Nga là duy trì một lá chắn giữa lãnh thổ mà họ kiểm soát, vốn mở rộng đến Donetsk và Luhansk, những nơi mà Moscow chính thức sáp nhập vào năm 2022.

Đảm bảo quyền kiểm soát các khu vực này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với Moscow, về cả mặt quân sự lẫn chính trị. Bởi việc mất đi các lãnh thổ mà họ đã giành quyền kiểm soát bằng chiến thuật "vùng xám" năm 2014 sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của binh lính và dân thường Nga. Để thực hiện điều đó, Nga cần bảo vệ các thành phố được coi là cửa ngõ hậu cần đến Donetsk và Luhansk, như Pisky và Bakhmut.

Nga muốn câu giờ?

Mặc dù Nga có thể có những ưu tiên cụ thể trong việc phòng thủ trước cuộc phản công của Ukraine, nhưng các chỉ huy cấp cao của Nga vẫn nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì sự liên kết chặt chẽ giữa các tuyến phòng thủ tuyến phòng thủ.

Trên thực tế, Nga đã xây dựng các công sự phòng thủ quy mô nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Có lẽ Moscow cho rằng, nếu không "đào sâu bám rễ" tại những khu vực chiến lược thì một bước đột phá của Kiev có thể dẫn đến sự thất bại của lực lượng của họ, diễn ra tại phía Bắc Ukraine vào mùa thu năm 2022.

Nhà phân tích Arman Mahmoudian lưu ý, cuối cùng, ngoài những kết quả quân sự trực tiếp, Nga còn có một mục tiêu tiềm ẩn: câu giờ.

Nga dường như đang nỗ lực kìm hãm quân đội Ukraine để giúp ngành công nghiệp quốc phòng của nước này có đủ thời gian cần thiết nhằm xây dựng lại  năng lực tấn công sau khi chúng bị suy giảm đáng kể do đưa ra quyết định sai lầm trong những ngày đầu của cuộc chiến.

Trong lịch sử, Nga được cho là đã vượt qua nhiều đối thủ lớn bằng cách thiết lập các vành đai phòng thủ. Chiến thuật này làm tiêu hao vũ khí và binh lực của đối phương, cho phép Nga có thời cơ tái tập hợp cũng như củng cố lực lượng. Chiến lược này tỏ ra hiệu quả trong các cuộc đối đầu như Đại chiến phương Bắc (1700-1721)... Trong mỗi kịch bản, các hoạt động phòng thủ của Nga đã giúp quá trình chuyển đổi sang thế tấn công diễn ra suôn sẻ.

Theo giới quan sát, việc Moscow theo đuổi mục tiêu làm giảm năng lực quân sự của đối phương là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, việc ngăn chặn một cuộc phản công đáng kể của Kiev có thể gây ảnh hưởng tới tinh thần của người dân Ukraine. Nó cũng có thể tác động tương tự đối với sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.

Nếu Ukraine không đạt được tiến bộ trong cuộc phản công, sự ủng hộ đối với việc chuyển viện trợ quân sự tốn kém cho Kiev có thể giảm dần và các chính trị gia có khuynh hướng cắt dần hỗ trợ đạn pháo và vũ khí quân sự cho nước này.

Theo National Interest