1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phòng thí nghiệm bí mật của Anh - mắt xích quan trọng vụ cựu điệp viên Nga

(Dân trí) - Porton Down, phòng thí nghiệm quân sự bí mật nhất nước Anh, đang trở thành tâm điểm của cuộc điều tra về nghi vấn cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh hồi đầu tháng.

Tấm biển đặt bên ngoài phòng thí nghiệm Porton Down của Anh (Ảnh: Getty)
Tấm biển đặt bên ngoài phòng thí nghiệm Porton Down của Anh (Ảnh: Getty)

Ra đời trong chiến tranh

Trụ sở của Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng (DSTL) Anh tại Porton Down, hay còn gọi là phòng thí nghiệm Porton Down, nằm trên một khuôn viên rộng rãi. Đối với bất kỳ ai muốn tiếp cận khu vực này, những tấm biển cảnh báo và những lá cờ màu đỏ là dấu hiệu cho họ thấy đây là căn cứ quân sự nhạy cảm. Được rót ngân sách hơn 700 triệu USD/năm với đội ngũ nhà khoa học lên tới 3.000 người, Porton Down là cơ sở nghiên cứu bí mật gây tranh cãi nhất tại Anh.

Nằm trên khuôn viên với diện tích rộng 28 km2 ở vùng nông thôn của Anh, Porton Down được xây dựng cách đây hơn 100 năm nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng khí độc của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc tấn công bằng khí độc đầu tiên nhằm vào các binh sĩ Anh liên quan tới khí Clo. Hàng nghìn lính Anh khi đó không biết họ đang đối mặt với loại chất độc gì. Họ phải chịu các vết bỏng hóa chất hoặc chết trong đau đớn. Sau khí Clo, binh sĩ Anh còn phải đối mặt với các loại khí độc hại khác.

Tướng Kitchener, khi đó là bộ trưởng chiến tranh của Anh, đã ra lệnh tìm cách đáp trả ngay lập tức. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của Porton Down. Các nhà khoa học tại Porton Down nhanh chóng phát triển mặt nạ chống độc và tiến hành các thí nghiệm để thực hiện các cuộc tấn công bằng khí độc tương tự nhằm vào binh sĩ Đức. Các cuộc tấn công khiến hàng trăm nghìn binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Đây cũng là một trong những lý do khiến cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đôi khi còn bị gọi là “chiến tranh hóa học”.

Cuộc gọi bất thường

Cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: BBC)
Cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: BBC)

Vào sáng sớm ngày 5/3, một cuộc gọi khẩn cấp đã được gọi tới phòng thí nghiệm Porton Down. DSTL thường được liên lạc trong trường hợp xảy ra những vụ việc lớn tại Anh như các vụ tấn công khủng bố. Tuy nhiên, cuộc gọi lần này không phải về khủng bố, mà liên quan tới một vụ việc xảy ra trên một con đường ở thành phố Salisbury - nơi cách Porton Down vài km.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị phát hiện bất tỉnh nhân sự trên một băng ghế ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại Salisbury hôm 4/3 và các dấu hiệu cho thấy họ không mắc những triệu chứng bệnh tật thông thường. Chỉ vào giờ sau cuộc gọi, một trong số các Nhóm Phản ứng Đặc biệt của Porton Down, vốn luôn trong trạng thái sẵn sàng 24/7, đã được triển khai.

Những triệu chứng ban đầu từ hai nạn nhân tại Salisbury trùng khớp với biểu hiện của một loại chất độc thần kinh. Nhóm chuyên gia đã nhanh chóng thu thập các mẫu vật trước khi đem chúng về phân tích tại phòng thí nghiệm ở Porton Down.

Các cuộc thử nghiệm sau đó xác nhận rằng một chất độc thần kinh quân sự đã được sử dụng trên đường phố Anh. Sự kết hợp của phân tích khoa học và các thông tin khác đã dẫn tới kết luận của chính phủ Anh rằng, Nga có khả năng đứng sau vụ tấn công nhằm vào cha con ông Skripal.

Liên quan tới vụ cha con cựu điệp viên nghi bị đầu độc, giới chức Nga đã đặt ra nghi vấn rằng chất độc thần kinh được sử dụng để đầu độc họ có thể xuất phát từ chính phòng thí nghiệm Porton Down. Phía Nga cho rằng Porton Down có vị trí rất gần thành phố Salisbury - nơi xảy ra vụ tấn công. Tuy nhiên, lãnh đạo điều hành của DSTL Gary Aitkenhead đã phủ nhận cáo buộc từ Moscow.

“Chúng tôi có mức độ kiểm soát an ninh ở mức cao nhất liên quan tới những công việc chúng tôi đang làm ở đây. Chúng tôi sẽ không được phép hoạt động nếu thiếu đi sự kiểm soát dẫn tới việc để lọt bất cứ thứ gì đó ra khỏi bốn bức tường của cơ sở này. Không có chuyện chất hóa học rời khỏi đây. Chúng tôi hoàn toàn cam đoan rằng không có bất kỳ thứ gì có thể chuyển từ đây ra thế giới bên ngoài”, ông Gary Aitkenhead nhấn mạnh.

Mục đích phòng vệ

Hàng rào dây thép bao quanh khuôn viên Porton Down (Ảnh: BBC)
Hàng rào dây thép bao quanh khuôn viên Porton Down (Ảnh: BBC)

Giới chức DSTL nói rằng vai trò của phòng thí nghiệm này là sử dụng chuyên môn về khoa học để hỗ trợ công tác điều tra của cảnh sát, bao gồm việc bảo vệ các mẫu vật an toàn về pháp lý để đảm bảo chúng có thể trở thành chứng cứ sau này, cũng như hỗ trợ các nhóm y tế trong việc điều trị và giúp giải quyết các mối lo ngại về sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, DSTL cũng trợ giúp các nhân viên cứu trợ khẩn cấp và cảnh sát để đảm bảo rằng họ không bị nhiễm độc khi tới những hiện trường vụ việc khác nhau.

Mặc dù được mời tới phòng thí nghiệm Porton Down, song các phóng viên của BBC cũng bị hạn chế nghiêm ngặt những gì họ được quan sát. Cảnh sát được vũ trang và chó nghiệp vụ tuần tra thường xuyên khu vực này. Các nhà khoa học tại đây cũng luôn phải mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ chống độc trong quá trình làm việc.

Mặc dù được xây dựng từ thời chiến tranh để đối phó với mối đe dọa từ chất độc hóa học, song mục đích hoạt động của Porton Down hiện nay chủ yếu là để phòng vệ. Porton Down đang tìm cách phát triển những phương pháp tốt hơn để bảo vệ các binh sĩ và dân thường Anh trước các cuộc tấn công.

Theo BBC, một căn nhà lớn đang được xây dựng tại một góc trong khuôn viên Porton Down và có thông tin từ Nga nói rằng căn nhà này là nhà máy chế tạo vũ khí hóa học của Anh.

“Đó là thông tin vô lý. Đây là một tổ chức mang tính chất phòng vệ”, ông David Pepper, chủ tịch DSTL nói với BBC.

Các thanh tra viên quốc tế thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã tới thành phố Salisbury và được thẩm phán cho phép lấy mẫu máu của cha con ông Skripal để phục vụ điều tra. Họ cũng tới Porton Down do DSTL là một phòng thí nghiệm được OPCW chứng nhận. Cho tới hiện tại, phòng thí nghiệm Porton Down vẫn được xem là mắt xích quan trọng trong vụ việc khiến quan hệ Anh - Nga căng thẳng trong những tuần gần đây.

Thành Đạt

Theo BBC