1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phó Đô đốc Mỹ: Nguy cơ xung đột khi Trung Quốc đòi tàu nước ngoài khai báo

Thành Đạt

(Dân trí) - Phó đô đốc Tuần duyên Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài phải khai báo khi đi vào vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.

Phó Đô đốc Mỹ: Nguy cơ xung đột khi Trung Quốc đòi tàu nước ngoài khai báo - 1

Tàu tuần duyên Trung Quốc (Ảnh: Getty).

"Việc yêu cầu các tàu phải khai báo thông tin là đi ngược lại với các thỏa thuận và nguyên tắc quốc tế. Nếu những gì chúng tôi đọc được là chính xác, điều này rất đáng lo ngại", Phó đô đốc Michael F. McAllister, chỉ huy Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, nói trong cuộc trao đổi trực tuyến với truyền thông vào sáng 3/9, khi được hỏi về quy định hàng hải mới của Trung Quốc.

Theo thông báo về Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc, Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết, bắt đầu từ ngày 1/9, tất cả tàu nước ngoài đi vào vùng "lãnh hải" của Trung Quốc phải khai báo thông tin về phương tiện và hàng hóa cho giới chức hàng hải của Trung Quốc. Nếu các tàu nước ngoài không khai báo theo quy định, cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc sẽ áp dụng các luật, quy định, quy tắc và điều khoản liên quan để xử lý.

Một trong những điểm gây chú ý trong quy định mới mà Bắc Kinh đưa ra là khái niệm "vùng lãnh hải của Trung Quốc". Trung Quốc đã đưa ra các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông, do vậy, giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh sẽ áp dụng quy định hàng hải phi lý trên cho các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trong đó có biển Hoa Đông, Biển Đông cũng như các đảo, bãi đá.

Theo Phó đô đốc McAllister, nếu được thực thi, quy định mới của Trung Quốc sẽ "là nền tảng cho sự bất ổn và các cuộc xung đột tiềm tàng" trong khu vực.

Ông McAllister nhấn mạnh Biển Đông là "cao tốc hàng hải" và sự hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực đóng vai trò "rất quan trọng trong việc xây dựng quản trị hàng hải tốt".

"Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác trên khắp khu vực", Phó đô đốc McAllister khẳng định, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong khu vực.

Phó đô đốc McAllister cũng cho biết các đối tác của Mỹ trong khu vực ngày càng lo ngại về các hành động "hung hăng" của Trung Quốc, cũng như lo ngại về việc "không đủ năng lực" để đối phó với các hành vi này.

Phó Đô đốc Mỹ: Nguy cơ xung đột khi Trung Quốc đòi tàu nước ngoài khai báo - 2

Phó đô đốc Tuần duyên Mỹ Michael F. McAllister (Ảnh: Michael Penn/uneau Empire).

Trong tuyên bố ngày 2/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Supple cho biết Mỹ vẫn kiên định với lập trường rằng "bất kỳ luật hay quy định hàng hải nào cũng không được vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế".

"Các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp, trong đó có Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến các quyền tự do trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do thương mại, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông và các quốc gia ven biển khác", người phát ngôn Lầu Năm Góc nói thêm.

Giới quan sát nhận định, việc đưa ra quy định về khai báo đối với tàu nước ngoài đi vào vùng lãnh hải cũng tương tự việc Trung Quốc tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào năm 2013, khiến nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, phản ứng dữ dội. Các chuyên gia cho rằng, sẽ không có nhiều nước chấp thuận thực thi quy định hàng hải mới của Trung Quốc.

Chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan tại Đại học Indonesia nhận định, quy định mới được Trung Quốc đưa ra một cách vội vàng, mơ hồ và có chủ ý. Chuyên gia Aristyo nhấn mạnh quy định này đi ngược lại với quy định về quyền "qua lại vô hại" trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Tom Rogan, nhà phân tích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Mỹ, cho rằng quy định mới của Trung Quốc "không có cơ sở trong luật hàng hải quốc tế". Ông Rogan cũng cho rằng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn vô lý và việc nhượng bộ quy định mới của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nguyên tắc cơ bản của luật hàng hải quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho Bắc Kinh "bắt nạt tàu thuyền nước ngoài và ép buộc các nước trong khu vực làm theo ý mình".