Phnom Penh bị phong tỏa, dân Campuchia "càn quét" siêu thị tích thực phẩm
(Dân trí) - Người dân tại thủ đô Phnom Penh đổ xô đi mua thực phẩm sau khi chính phủ Campuchia phát lệnh phong tỏa trong 14 ngày.

Tối 14/4, người dân tại thủ đô Phnom Penh vội vã đi mua sắm tại các khu chợ và siêu thị, chuẩn bị tích trữ thực phẩm cho đợt phong tỏa kéo dài 14 ngày.

Chính phủ Campuchia phát lệnh phong tỏa Phnom Penh và thị xã Takhmao từ 15/4 đến ngày 28/4 để đối phó với tình hình dịch Covid-19 bùng phát.

Trong thời gian phong tỏa, người dân không được phép rời khỏi nhà, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp hoặc đi mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Mỗi hộ gia đình chỉ được phép ra ngoài mua thực phẩm và nhu yếu phẩm không quá 3 lần một tuần, mỗi lần chỉ được một hoặc 2 người ra ngoài.

Các cơ sở kinh doanh thiết yếu như hiệu thuốc, nhà máy chế biến thực phẩm, lò mổ, siêu thị, chợ, nhà hàng và trạm xăng được phép hoạt động miễn là đảm bảo các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm trực tuyến cũng được miễn trừ phong tỏa.

Kệ hàng trong siêu thị tại Phnom Penh trống trơn sau khi người dân đổ xô tích trữ thực phẩm vào tối 14/4. Các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm đều bị quá tải.

Việc tụ tập đông người bị cấm trong thời gian phong tỏa, trừ khi các thành viên trong gia đình ở cùng một nhà, các nghi thức tang lễ được chính quyền cho phép và nhân viên y tế lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19.

Các công nhân tại một nhà máy may mặc ở Phnom Penh xếp hàng chờ tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac của Trung Quốc.

Tính đến ngày 14/4, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 4.874 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.544 trường hợp đang được điều trị và 36 trường hợp tử vong. Các ca tử vong gồm một người Hàn Quốc, một người Pháp và hai người mang quốc tịch Trung Quốc, những người còn lại là người Campuchia.

Campuchia chuẩn bị giường cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại một hội trường tiệc cưới được chuyển thành bệnh viện dã chiến ở Phnom Penh.

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan ngày 11/4 cảnh báo Campuchia "đang trên bờ vực một thảm kịch quốc gia do dịch Covid-19". Đại diện WHO nói rằng nếu không ngăn chặn được dịch bệnh, hệ thống y tế của Campuchia có nguy cơ "vỡ trận" và sẽ gây ra những hệ lụy lớn.