1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao dân Campuchia chưa mặn mà với vắc xin Covid-19?

An Bình

(Dân trí) - Ngành may mặc trị giá 7 tỷ USD của Campuchia đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, nhưng các lao động trong ngành này tỏ ra không mặn mà với vắc xin.

Vì sao dân Campuchia chưa mặn mà với vắc xin Covid-19? - 1

Vắc xin Covid-19 của Trung Quốc được vận chuyển tới sân bay Phnom Penh, Campuchia ngày 26/3 (Ảnh: Xinhua)

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, hai tháng sau khi Campuchia khởi động chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 với 1,2 triệu liều do Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp, chính phủ hồi tuần này cho biết các lao động trong ngành may mặc, chiếm khoảng 800.000 người và chủ yếu là phụ nữ, có thể đăng ký tiêm phòng.

Tuy nhiên, các lao động ngành dệt may, vốn đã bị ảnh hưởng do các đơn đặt hàng sụt giảm và sự gián đoạn vì Covid-19 cũng như các thuế quan của Liên minh châu Âu, vẫn tỏ ra dè dặt với vắc xin.

Một đại diện công đoàn tại một nhà máy may ở Phnom Penh, cho biết khoảng 1.000 lao động đã được đề nghị tham gia tình nguyện tiêm vắc xin. Nhưng trong các cuộc trò chuyện cá nhân, người lao động cho biết họ chưa tin tưởng vắc xin.

Nhiều người thậm chí cho biết họ e ngại vắc xin và sẽ không tiêm. Các lo ngại cũng một phần xuất phát từ những tin đồn thất thiệt rằng có người tử vong khi sau khi tiêm.

Campuchia, với dân số khoảng 16 triệu người, đã ghi nhận hơn 2.000 ca Covid-19 và hơn 10 trường hợp tử vong cho tới nay. Nước này đã nỗ lực mua vắc xin để phục vụ chương trình tiêm chủng khởi động từ đầu tháng 2.

Chính phủ bắt đầu cung cấp vắc xin miễn phí cho các công chức và nhà báo hồi tháng 2, và đến đầu tháng 3 bắt đầu tiêm cho những người trên 60 tuổi tại các điểm nóng như Phnom Penh và Sihanoukville, cũng như cho người nước ngoài làm việc tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế.

Tính tới thứ Tư tuần trước, có chưa tới 250.000 người tình nguyện tiêm vắc xin, trong đó 229.000 đã được tiêm mũi đầu tiên.

Ngoài số vắc xin được vận chuyển trước đó, thêm khoảng 1,5 triệu liều vắc xin Covid-19 từ công ty Sinopharm của Trung Quốc đã tới Campuchia ngày 26/3, và 700.000 liều khác cũng từ công ty này dự kiến sẽ đến vào cuối tháng 3.

Tâm lý e dè với vắc xin tại Campuchia cũng là câu chuyện tương tự trên khắp thế giới, khi các chính phủ vừa nỗ lực thúc đẩy việc tiêm chủng giữa lúc nguồn cung còn hạn chế, vừa phải đối phó với những người chống vắc xin hoặc tung tin giả về vắc xin.

Nhưng tại Campuchia, một nhà sáng lập một tổ chức tư vấn địa phương, cho biết các lo ngại với vắc xin của Sinopharm là do vắc xin này chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, 75 tuổi, đã tiêm vắc xin của Sinopharm, nhưng Thủ tướng Hun Sen, 68 tuổi, và phu nhân đã tiêm vắc xin của AstraZeneca do có các thông tin cho rằng vắc xin của Trung Quốc kém hiệu quả lắm đối với người cao tuổi.

Chính phủ Campuchia cũng cố gắng dập tắt các tin đồn thay vì chú trọng làm rõ chúng. Một nhà báo Trung Quốc tại Siem Reap hồi tháng trước đã bị trục xuất vì tung tin thất thiệt rằng "Campuchia bán vắc xin do Trung Quốc tài trợ". Hồi tuần này, cảnh sát cũng bắt giữ một người sử dụng TikTok vì khuyên mọi người không tiêm vắc xin.

Một nhà phân tích cho biết việc công chúng Campuchia còn hoài nghi về vắc xin là bình thường, nhưng cho rằng các lao động ngành dệt may nên tiêm vắc xin vì họ làm việc trong điều kiện sát nhau và việc tiêm vắc xin là cần thiết để duy trì ngành kinh tế trị giá 7 tỷ USD, vốn đóng góp lớn cho nền kinh tế Campuchia. Những người bán hàng ven đường và các tài xế cũng là những đối tượng nên tiêm, ngoài người cao tuổi và những người có bệnh nền. Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng nhận định rằng việc vượt qua sự e ngại đối với vắc xin là điều khó khăn, trong bối cảnh Campuchia sẽ mua thêm vắc xin từ Trung Quốc.

Việc tiêm vắc xin càng trở nên cấp bách khi Campuchia đã chứng kiến các ca nhiễm tăng mạnh từng ngày gần đây, ban đầu được tin là bắt nguồn từ một hộp đêm hồi tháng 2 nhưng sau đó được xác định là từ những phụ nữ trốn cách ly ngay sau khi nhập cảnh vào nước này. Kể từ đó, một loạt các câu lạc bộ, sòng bài và các khu chung cư có người nhiễm đã bị đóng cửa.

NagaWorld, khu phức hợp giải trí tại Phnom Penh, đã bị đóng cửa từ ngày 2/3, năm ngày sau khi các vị khách tới đây có kết quả dương tính với virus và làm lây nhiễm cho gần một chục nhân viên. Hơn 1.000 nhân viên của khu phức hợp này đã phải nghỉ ở nhà sau khi các đồng nghiệp mắc Covid-19 và khu phức hợp sau đó đã bị đóng cửa.

Campuchia ngày 29/3 ghi nhận 40 ca Covid-19 tại thủ đô Phnom Penh và 6 tỉnh khác, trong đó 36 ca là người Campuchia và số còn lại là các công dân Trung Quốc. Nước này hôm nay cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong do Covid-19.

Tổng cộng, cho tới nay Campuchia ghi nhận 2.273 ca Covid-19, trong đó 1.172 ca đã khỏi bệnh.