1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines vẫn hợp tác với công ty Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép

Thành Đạt

(Dân trí) - Philippines sẽ không dừng các dự án hạ tầng có liên quan tới các công ty Trung Quốc tham gia xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông và nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Philippines vẫn hợp tác với công ty Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép - 1

Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)

Ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm nay 1/9 cho biết nhà lãnh đạo Philippines sẽ không đi theo quyết định của Mỹ khi trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Philippines cho rằng cơ sở hạ tầng là ưu tiên quốc gia của nước này.

“Chúng tôi không phải quốc gia lệ thuộc vào bất kỳ thế lực bên ngoài nào và chúng tôi sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông Roque nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

“Lợi ích quốc gia của chúng tôi là bảo đảm các dự án quan trọng nhất được hoàn tất”, người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhấn mạnh.

Tổng thống Duterte vẫn đang chạy đua với thời gian để xúc tiến chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 180 tỷ USD, mặc dù kế hoạch này đang gặp nhiều khó khăn.

Mỹ, một đồng minh có hiệp ước quốc phòng với Philippines, ngày 26/8 đã liệt 24 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì đóng vai trò "trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông". Các công ty bị trừng phạt sẽ không được tiếp cận công nghệ của các công ty Mỹ nếu không được phép.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc “nhanh chóng xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, cho phép Bắc Kinh quân sự hóa các tiền đồn tại Biển Đông nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của các đối tác của Washington trong khu vực”. Các hoạt động này diễn ra “bất chấp sự phản đối của Mỹ và các nước khác”.

Mỹ hồi tháng 7 đã công bố lập trường chính thức về vấn đề Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này.

Ngược lại với tuyên bố của người phát ngôn tổng thống, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr vẫn khuyến cáo chính phủ nên dừng các thỏa thuận làm ăn với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

"Nếu họ có liên quan đến việc xâm phạm Biển Đông, nhiệm vụ của chúng tôi là chấm dứt toàn bộ hợp đồng với họ", ông Locsin nói hôm 27/8.

Trong số các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC). CCCC đã hợp tác với một đối tác tại Philippines để thực hiện dự án sân bay trị giá 10 tỷ USD.

Một công ty con của CCCC là Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc cũng đang hợp tác với công ty của nhà tài phiệt Dennis Uy, một đồng minh thân cận và là người đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Duterte, trong một dự án cải tạo trị giá 1,2 tỷ USD.

CCCC ngày 30/8 ra thông cáo cho biết 5 công ty con chuyên về nạo vét của tập đoàn này đã bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt. Tuy nhiên các công ty này không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Mỹ, do vậy sẽ không bị ảnh hưởng về mặt tài chính bởi các lệnh trừng phạt.

"Công ty chủ yếu nạo vét đường thủy, cải tạo đất và nạo vét môi trường ở trong nước. Hoạt động nạo vét ở nước ngoài chiếm một phần tương đối nhỏ và không có hoạt động nạo vét nào của công ty được thực hiện ở Mỹ", thông báo của CCCC cho biết.

CCCC nói rằng các thiết bị quan trọng dành cho hoạt động nạo vét của công ty cũng “không sử dụng bất kỳ công nghệ nào do doanh nghiệp Mỹ cung cấp hay xuất khẩu”.